510 855
Minh Đức. 01:26:54 10-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1357.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Tóm lược nội dung khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 16

Tóm lược nội dung khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 16Trên tinh thần kế thừa và phát triển, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn đã tiếp tục triển khai chương trình Bồi dưỡng đạo hạnh dành cho hàng tân học: Sa-di, Sa-di-ni và tập sự nam nữ. Khóa bồi dưỡng lần thứ 16 này được tổ chức tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Chơn thuộc thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk từ ngày 17/8 đến ngày 27/8 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 26/9 đến 6/10/2018). Tham dự khóa tu có 48 vị hành giả Tăng Ni tân học: 20 vị Sa-di và tập sự nam, 28 vị Sa-di-ni và tập sự nữ.

Kính bạch quý ngài,

Như các khóa đã qua, khoá này cũng không có gì thay đổi về thời gian, nội quy cho đến thời khoá tu học, và trước khi làm lễ khai mạc khoá tu chư Tăng Ni cũng thực hành hạnh trì bình khất thực để gieo duyên lành đối với bá tánh vùng cao nguyên này. Sau đó buổi lễ chính thức được diễn ra với sự chứng minh của Đại đức Giác Hoàng, Phó thường thực Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn. Đại đức đã chia sẻ, khuyến tấn để đại chúng khắc ghi tâm nguyện xuất gia làm bậc xuất trần thượng sĩ và hoàn thành bổn nguyện giác ngộ giải thoát của mình. Đại đức còn nhấn mạnh con đường tiếp nối chí nguyện của Tổ Thầy này sẽ giúp cho giáo pháp được lưu truyền, mạng mạch được giữ gìn, để đền đáp ân đức của Tam bảo. Và con đường này được thực hiện bằng những bước đi đầu tiên của việc thực hành những lời giáo huấn của chư tôn thiền đức lãnh đạo, mà cụ thể là hiện thực hoá những lời dạy trong khoá bồi dưỡng đạo hạnh này qua thân hành đi đứng nằm ngồi, để làm sao cho chúng luôn được trang nghiêm và làm chủ được mọi thân hành này, để từ đó mầm giáo pháp luôn được tưới tẩm và phát triển cho đến ngày thành tựu viên mãn nhằm hoàn thành tâm nguyện xuất gia.

Đến buổi chiều, Đại đức tiếp tục chia sẻ với đại chúng về hình ảnh của người xuất gia thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sanh. Hình ảnh ấy được thực hiện qua con đường khất sĩ và đạo lộ 37 phẩm trợ đạo. Đại đức trình bày, giảng giảng đạo lộ ấy bằng pháp hành tinh yếu, đó là pháp hành tứ niệm xứ. Trong pháp hành này, Đại đức đã triển khai chi tiết cho đại chúng thấy rõ thân hành niệm hay quán thân trên thân, niệm xứ đầu tiên trong tứ niệm xứ, để từ đó giúp cho hành giả tân học nắm bắt được phần nào pháp hành để dụng tâm tu tập, để khởi đầu cho hành trình tìm về bến giác của mình. Và hành trình này bắt đầu bằng những bước chân chánh niệm và quán chiếu để ghi nhận rõ ràng mọi oai nghi đi đứng nằm ngồi của chúng ta, nhằm nuôi dưỡng sự tỉnh thức và phát triển tuệ giác. Làm được như vậy chúng ta mới có thể đạt được ước nguyện xuất gia của bậc xuất sĩ.

Qua ngày thứ 2 của khoá, ngày 18/8 Mậu Tuất, Ni trưởng Cảnh Liên đã đến với hội chúng bằng những hình ảnh, đức hạnh cao đẹp của tiền thân đức Phật để khuyên nhắc Ni chúng về đời sống của một vị xuất gia là phải tu tập và hành Bồ tát đạo để khuyến giáo, hoá độ chúng sinh, để giúp cho mọi người đều quay về bờ giác. Ni trưởng đã thuật lại câu chuyện tiền thân của Phật và từ đó phân tích để chia sẻ cho hội chúng thấy được tinh thần của người học Phật, và cũng là để biến những gương hạnh cao đẹp ấy thành những tấm gương cho hội chúng soi rọi và học theo. Và từ đó khẳng định lộ trình phải hành trì qua tinh thần quán chiếu ngũ uẩn giai không, vì chỉ có tinh thần vô ngã như thế, quên mình vì đạo ấy mới có thể phát triển đạo tâm và thành tựu lý tưởng xuất gia của mình.

Đến sáng ngày thứ 3, ngày 19, Đại đức Giác Nhường đã chia sẻ với hội chúng những kinh nghiệm trong đời sống của người tập sự xuất gia. Đặc biệt là phương cách hành trì thuộc về giới hạnh oai nghi, và giúp cho hàng xuất gia tân học thấy rõ được những khuyết điểm và thiếu sót trong cách hành xử của mình, cũng như khơi dậy tinh thần luôn tôn kính thầy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ đó thấy được tinh thần Tôn sư trọng đạo của người xuất gia, cũng như khuyên nhắc hàng tân học phải biết xem trọng đời sống đạo đức, con đường để đi đến với lý chơn chứ đừng xem trọng phương tiện vật chất để rồi đánh mất lý tưởng xuất gia và chỉ biết lo trau dồi sắc thân giả tạm để phải chịu "khổ nạn chết hết". Và chỉ có được như vậy thì mới có thể đi đến với tâm chơn Phật.

Đến buổi chiều, Đại đức Giác Thống, vị Đại đức đã cùng đồng hành tu tập với hội chúng, đã chia sẻ với hội chúng về kinh nghiệm tu học mà Đại đức đã ứng dụng và trải nghiệm qua. Đại đức đã dẫn dụ lời kinh thường vận dụng để hành trì, đặc biệt là những khi chúng ta gặp chướng duyên thì lời dạy trong 2 câu kinh pháp cú đầu tiên: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo, nếu với ý thanh tịnh hay ô nhiễm thì hành động an vui hay đau khổ sẽ theo sau” sẽ là nơi để mình y cứ nương tựa mà tác ý về chướng duyên, và từ đó sẽ giúp mình có phương cách để vượt qua. Ở đây, Đại đức đã dẫn lời dạy “tịnh tâm bớt nói ngưng làm” của đức Tỏ sư như là một phương pháp để khắc phục, chế ngự những phiền não mà mình đang gặp phải, để từ đó hình thành cho mình một phong thái của người con Phật. Phong thái đó chính là tinh thần của người xuất gia như ong đến với hoa nhưng không hại sắc và hương, như bậc thánh vào làng. Và hình ảnh này được hình thành, phát triển bằng con đường giữ gìn và điều phục tâm ý của mình.

Qua ngày thứ 4 của khoá, Hoà thượng Giác Trí, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn đã dạy cho hội chúng Sa-di tân học phương pháp thiền tập qua những hơi thở cùng những oai nghi ngay nơi cuộc sống thường nhật này. Qua đây Hoà thượng đã hướng dẫn cho đại chúng thấy rõ và biết được những bước căn bản trong công phu thiền tọa, thiền hành, và triển khai cho hội chúng thấy được sự thiết yếu của chánh niệm tỉnh giác trong quá trình tu tập, để hành giả có mặt ngay trong giây phút hiện tại và đạt được sự an vui trong sinh hoạt thường nhật. Đồng thời Hoà thượng đã nhấn mạnh đến việc phát huy chánh niệm sẽ giúp cho hành giả phát triển năng lượng tỉnh giác để nuôi dưỡng và tăng trưởng đạo tâm, kiên cố đạo hạnh để chóng thành quả giác. Cuối cùng, Hoà thượng dẫn giải tinh thần có mặt trong hiện tại bằng hình ảnh vị tỳ kheo trẻ trong kinh tuổi trẻ và hạnh phúc để hội chúng thấy được tinh thần của người xuất gia con Phật.

Đến buổi chiều, Đại đức Giác Tri đã đến với đại chúng bằng những điều căn bản của một người đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia. Đó là phải quy y Tam bảo. Ba điều căn bản này đã được Đại đức dẫn dụ bằng những phương cách thực tập như quy kính Tam bảo, tôn kính đức Thế Tôn qua 3 điều quy y được dạy trong nghi thức tụng niệm, để từ đó chúng ta hết lòng tôn kính Phật, và bằng những hình ảnh thực tế trong cuộc sống để người xuất gia trẻ, sơ cơ tăng trưởng thêm lòng tôn kính, kính tin như đọc học lại lịch sử, công hạnh của ngài để thấy rõ sự hy sinh, đức hạnh cao đẹp, sự từ bỏ cung vàng điện ngọc, hay thường xuyên đảnh lễ quán chiếu tôn tượng ngài…để nhằm học theo học theo công hạnh cao đẹp ấy như từ bi, trí tuệ…  Và để tăng trưởng thêm niềm quy kính pháp bảo, Đại đức khuyến khích hội chúng nên siêng năng đọc kinh luật, điều nào không hiểu để lại đó rồi hỏi hàng sư huynh hay xin hàng tôn túc chỉ dạy, để làm thức tâm giải thoát khỏi sự si mê, trí năng toả ngộ để thấy rõ và tôn kính hơn Phật bảo và Pháp bảo. Và ở đây Đại đức minh chứng con đường tứ y chánh pháp qua sư ăn mặc ở bệnh của người xuất gia trẻ. Cuối cùng Đại đức nói lên tinh thân hoà hợp thanh tịnh của Tăng qua phép lục hoà để đại chúng thấy được giá trị và tránh xa sự chia rẻ làm mất đoàn kết tình huynh đệ, và không khéo đưa đến sự phá hoà hợp của Tăng, mắt phải 1 trong ngũ trọng tội, để rồi phải chịu khổ đau và đánh mất lý tưởng mục đích của việc xuất gia.

Qua ngày thứ 5, Ni sư Hiếu Liên đã đến với hội chúng bằng tinh thần giáo pháp về bảy yếu tố dẫn đến sự giác ngộ của đức Tổ sư: từ yếu tố đầu tiên phân biệt sự lành và sự dữ cho đến chi phần giác ngộ thứ 7 là vui chịu với mọi cảnh ngộ để giúp cho hội chúng hiểu được và biết phương cách tu tập, chuyển hoá những phiền não khổ đau trong cuộc sống. Bảy yếu tố này bắt đầu bằng sự phân biệt điều lành điều dữ hay góc độ nhận thức với trí tuệ để điều hành thân tâm trong mọi hành xử, để từ đó tinh tấn lướt lên mà không bị sa đoạ vào con đường bất thiện. Như thế mới có thể an vui, hỷ lạc trong tinh thần đạo lý và thắng phục được tâm ý tư riêng, vọng tưởng rối ren của tự thân, mới có thể nhẹ nhàng mà vui chịu với mọi cảnh ngộ được như trong kinh Jataka nói: “Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất”. Và đặc biệt trong mỗi yếu tố giác ngộ Ni sư lại sử dụng những hình ảnh thực tế trong cuộc sống để minh hoạ cho lời dạy ấy để thấy được lợi ích cùng giá trị của mỗi chi phần giác ngộ.

Đến ngày thứ 6, Đại đức Giác Tuyên đã chia sẻ với hội chúng xuất gia tân học về hình ảnh đẹp của vị Tôn giả Sa-di Rahula qua ba bài kinh được lưu lại trong Trung bộ kinh. Đại đức đã nói con đường của người xuất gia của chúng ta cũng giống như con thuyền đi ngược dòng, nếu không tiến thì sẽ bị thối lui chứ không thể đứng yên 1 chỗ, vì thế huynh đệ phải biết củng cố và làm cho niềm tin Tam bảo ngày càng tăng trưởng. Và chỉ có tăng trưởng như thế thì giới hạnh, đạo hạnh của vị Sa môn mới có thể thăng tiến, mới đi đến được sự viên mãn của đời sống phạm hạnh, bằng không sẽ làm cho con đường đạo hạnh của người xuất gia chúng ta sẽ sút giảm. Sau đó Đại đức tiếp tục đề cập đến hình ảnh đẹp của lời nói chân thật được đức Thế Tôn giáo giới cho Sa-di Rahula bằng hình ảnh thau nước đổ đi, người nói dối không chân thật mà không có tàm quý thì cũng giống như thế, để rồi sẽ phải tự loại mình ra khỏi dòng chảy giáo pháp. Chính vì thế huynh đệ cần phải soi chiếu sơ tâm xuất gia của mình để phản tỉnh, để thấy được các góc cạnh lòi lõm cần phải được mài dũa, hay cần phải rèn luyện để cho đạo hạnh của mình được viên tròn, được thành tựu Sa môn hạnh. Đến buổi chiều Đại đức cùng chư vị Đại đức trong ban quản chúng đã giúp cho hội chúng giải quyết những nghi vấn, nội kết mà chư huynh đệ chưa có phương cách giải quyết, nhằm giúp huynh đệ tháo gỡ và sớm vượt qua chướng duyên, để tạo điều kiện cho sự thăng tiến trên hành trình tâm linh của mình.

Qua ngày thứ 7, HT. Giác Phương đã khuyến tấn và truyền trao kinh nghiệm tu học đến với cho hội chúng Sa-di tân học. Sau đó Hoà thượng đã chia sẻ bày kệ “Ý” trong Luật Nghi Khất Sĩ để giúp cho đại chúng hiểu được lời kinh ý Tổ, và đặc biệt là pháp tu được truyền tải trong đó. Ở đây Hòa thượng đã chỉ cho hội chúng thấy được ý nghĩa "vốn hai" của con người. Vốn hai ở đây không chỉ là sự thay đổi của tâm ý mà đó là hai thái cực, hai cặp phạm trù đối đãi: ưa thích, ghét thương, có không... Cái này là thuốc chữa bệnh cho cái kia. Đồng thời hoà thượng đã triển khai tinh thần tu tập qua phương pháp làm chủ nhận thức, thân hành khi căn tiếp xúc với trần, và làm như thế nào để không bị nó dắt dẫn, lôi kéo chúng ta đi theo. Và hoà thượng dẫn lời dạy trong bài kệ: “giờ giờ phút phút phải thường soi tâm” để nhấn mạnh đến yếu tố chánh niệm, bởi chỉ có chánh niệm mới có thể kiểm soát hành vi trong mọi oai nghi và trong việc làm chủ thân hành khi căn trần gặp nhau, mới thấy được bản chất giả tạm của các pháp, mới có thể buông bỏ ngã chấp, chữa chứng bệnh mê lầm của chúng sanh để đi đến quả vị giác ngộ.

Đến ngày thứ 8, vì duyên sự nên Đại đức giáo thọ sư đã vắng mặt, Đại đức Giác Sanh đã thay lời ban quản chúng có lời chia sẻ, tâm tình với hội chúng huynh đệ xuất gia tân học. Đại đức đã dẫn những câu chuyện lịch sử trong Giáo đoàn để làm tấm gương cho huynh đệ soi rọi quán chiếu, nhằm khích lệ tâm đạo của huynh đệ xuất gia, để huynh đệ hiểu rõ hơn về thực tại của đời sống xuất gia. Bên cạnh đó Đại đức còn đề cập đến những oai nghi tế hạnh của vị Sa môn như cách chắp tay lễ lạy, cách đi đứng ngồi nằm, cách sinh hoạt thường nhật…… để huynh đệ thấy và biết vị trí của mình, biết giá trị của giới hạnh của vị Sa môn, để từ đó trân trọng và quý kính đời sống Sa môn.

Đến chiều, Ni sư Tỉnh Liên đến với hội chúng bằng nội hàm được truyền tải qua bài “Kệ giới” trong quyển Luật Nghi Khất Sĩ. Ni sư đã khuyến khích hội chúng vâng giữ và hành trì giới luật, xem giới luật như là thọ mạng, và cũng quý trọng đời sống xuất gia như thế. Ni sư đã dùng những hình ảnh trong thiền sử để minh hoạ cho tâm đạo của người xuất gia là thà bỏ tấm thân ngũ uẩn này chứ không bao giờ đánh mất đi lý tưởng của vị Sa-môn để khuyến nhắc, khuyến tấn Ni chúng lấy đó làm tấm gương mà soi rọi quán chiếu lại mình trên con đường tu tập.

Qua ngày thứ 9, vì duyên sự nên Đại đức Giác Nhường đã thay mặt cho Đại đức Giác Phổ để đến với hội chúng xuất gia tân học. Đại đức đã chia sẻ với hội chúng về niềm vui của sự sống chung tu học, một phương châm tu học mà đức Tổ sư đã đề ra. Niềm vui ấy được hiện hữu khi người xuất gia chúng ta biết tri túc. Tri túc ở đây không chỉ là biết đủ về vật chất mà còn muốn nói đến phước nghiệp, vị trí của mỗi chúng ta. Chỗ đứng của người mới xuất gia với phước duyên như thế thì kết quả về thân hành, tâm hành cùng mọi thứ xung quanh ta phải như thế, chứ mong cầu hơn cũng khó được, nên không biết đủ ấy sẽ làm cho chúng ta phiền muộn, khổ não vì bất như ý. Và chính việc biết đủ như thế sẽ giúp cho ta an ổn với thực tại của người xuất gia tân học và không mong cầu viễn vong những điều ngoài khả năng có thể, để từ đó trang nghiêm thân hành của tự thân. Và ở đây Đại đức còn nhấn mạnh: chính thân hành trang nghiêm ấy sẽ là đối tượng để mình làm chỗ dựa và nương vào để giữ gìn bảo hộ cho tâm chơn của ta trên con đường đi đến sự giác ngộ.

Đến ngày thứ 10, vì duyên sự nên Hoà thượng giáo thọ sư đã không đến được với hội chúng, vì thế ban quản chúng đã sắp xếp cho hội chúng tu tập và công quả dọn dẹp phòng ốc nơi mình sinh hoạt trong 10 ngày qua. Đến tối Hoà thượng Giác Trong, Tri sự phó kiêm Trưởng ban hoằng pháp Giáo đoàn đã đến và khuyên nhắc hội chúng về đời sống tu học của vị Sa-di tân học. Ngài nhấn mạnh về tầm quan trọng của giới và 21 bài học sa di để hội chúng thấy và chiêm nghiệm lại những lời dạy đó để hành thiện giới hạnh oai nghi và đời sống giới hạnh Sa-môn, để làm cho thân hành của mình luôn ảnh hiện hình ảnh của đức Phật, và để trở thành hình ảnh mô phạm của trời người, để từ đó chúng trở thành thức ăn nuôi dưỡng đời sống giới hạnh, là huyết mạch cho đời sống tu học của mình. Và qua đây Hoà thượng muốn nhắn nhủ với hàng Sa-di, tập sự rằng: đừng bao giờ lơ là bỏ qua những bài học căn bản cho đời sống phạm hạnh này mà phải luôn gia tâm để thân khẩu ý luôn là hình ảnh của đức Phật, luôn là ngọn đèn chơn lý soi chiếu thế gian, và để xứng đáng là vị sứ giả của Như Lai.

Kính bạch quý ngài,

Trên đây là chương trình và nội dung tu học trong 10 ngày qua của khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 16 tại tại Tịnh xá Ngọc Chơn. Giờ đây con xin kính trình lên chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn để các ngài được liễu tri về nội dung được giảng dạy trong khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần này.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
TK Giác Đoan - Đạo Phật Khất Sĩ

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn