Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ về Tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Mở đầu buổi chia sẻ, Hoà thượng nói về nguyên nhân xuất gia tầm cầu con đường giác ngộ và tuyên thuyết giáo pháp lợi sanh theo khuynh hướng Phật Tăng xưa của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong lúc đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, khổ nạn, nên chí xuất trần của Ngài đã khởi lên: “Chúng tôi sanh trong thời loạn, thấy cảnh thương tâm, mong tìm phương cứu chữa …”. Với sự tầm cầu con đường chánh thiện bằng tuệ giác, Ngài đã thành tựu mục tiêu phạm hạnh của đời xuất gia giải thoát và lập Giáo hội Du Tăng để tuyên thuyết giáo lý giác ngộ theo khuynh hướng Phật Tăng xưa, là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Chánh pháp của đức Tổ sư được thể hiện qua 69 quyển Chơn lý mà Ngài đã trước tác, và đã giảng dạy cho hàng đệ tử, người hữu duyên nên “học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là thật học”.
Phần tiếp theo, Hoà thượng nói rõ chánh pháp phải được thể hiện qua ba yếu tố là pháp học, pháp hành và pháp thành; pháp học là phải học về giới, định, tuệ (giới học, định học, tuệ học). Pháp hành là nói về các tầng thiền chứng (tứ thiền sắc giới, thiền vô sắc giới) mà một vị hành giả sau khi nỗ lực thành tựu về giới, đoạn trừ năm triền cái. Pháp thành là nói về bốn đạo, bốn quả từ Nhập lưu đạo, Nhập lưu quả, Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả.
Và phần cuối, Hòa thượng nói về việc tầm cầu chân chánh mà chư hành giả hướng đến là tầm cầu cái vô bệnh (vô bệnh là lợi đắc tối thượng), tầm cầu con đường thánh (Thánh cầu), con giác ngộ phải siêng học, siêng tu và thường xuyên tác ý về pháp (mến pháp, suy tư pháp).
Qua buổi chia sẻ, Hoà thượng đã dẫn dụ, chứng minh nhiều bài kinh trong văn hệ Pali của Phật thuyết và Chơn lý của đức Tổ sư dạy để làm rõ yếu tố chánh pháp mà người xuất gia cần phải học, phải tu cho thấu đạt.
Tuệ Mãn - http://www.daophatkhatsi.vn