610 399
Admin. 22:59:24 22-03-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 2737.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Bốn pháp căn bổn

Bốn pháp căn bổnSuốt hơn 45 năm thuyết pháp độ sinh, Thế Tôn đã để lại kho tàng Pháp bảo vô cùng đồ sộ, bao hàm nhiều phương diện đạo đức, xã hội và tâm linh... Trong hành trình cuối cùng từ Tỳ-xá-ly đến thành Câu-thi-na, Thế Tôn thường nói lại những nội dung then chốt của giáo pháp. Một trong những giáo huấn trọng yếu đó là Tứ pháp ấn tức Vô thường, Khổ, Vô ngã, Niết-bàn.

“Một thời Phật ở nước Tỳ-xá-ly trong vườn Nại-kỳ (vườn Xoài Ambapàli) cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm người câu hội, dần dần đi du hóa nhân gian. Khi ấy, Thế Tôn ngoái nhìn thành Tỳ-xá-ly, giây lâu bèn nói kệ này: Nay nhìn Tỳ-xá-ly/Rồi sau không nhìn lại/Cũng lại không bao lâu/Sẽ từ biệt nơi này.

Lúc ấy, nhân dân trong thành Tỳ-xá-ly nghe nói kệ này, thảy đều lo buồn, đi theo sau Thế Tôn ai nấy rơi lệ tự bảo nhau: 'Không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ, thế gian sẽ mất ánh sáng'.

Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi! Các người chớ buồn lo, vật đáng hoại diệt mà muốn không hoại diệt thì trọn không có lý ấy. Trước đây, Ta đem bốn việc dạy bảo do đây được tác chứng. Và Ta cũng ở trong bốn bộ chúng, dạy bảo bốn việc này. Thế nào là bốn? Tất cả hành vô thường, là pháp thứ nhất. Tất cả hành khổ, là pháp thứ hai. Tất cả hành vô ngã, là pháp thứ ba. Niết-bàn là diệt tận, là pháp thứ tư. Như thế, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Các người nên biết bốn pháp căn bổn, vì khắp tất cả chúng sanh nói bày nghĩa ấy”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 42.Bát nạn 1 [Trích], 
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.94)

Trước hết là quán niệm vô thường, “vật đáng hoại diệt mà muốn không hoại diệt thì trọn không có lý ấy”. Kể cả tấm thân tứ đại của Thế Tôn, hữu hình thì hữu hoại. Vạn pháp đều do duyên mà sinh ra và cũng do duyên mà diệt đi. Sinh diệt, diệt sinh, lưu chuyển vô cùng vô tận là sự thật. Từ thân đến tâm, từ vật nhỏ nhất đến vật lớn nhất, tất cả đều theo nhân duyên vận động không ngừng. Thấy rõ vô thường để không còn chấp thủ, tự tại tùy duyên.

Có thể xem tuệ giác vô thường là nền tảng căn bản để liễu tri khổ (dukkha), thân chứng vô ngã và chứng đắc Niết-bàn. Khổ ở đây không đơn thuần là khổ đau (tám khổ) của con người mà bao hàm cả sự bất toàn, biến dịch… của vạn pháp, kể cả những cái vui của thế thường cũng vẫn là dukkha. Vô ngã cũng vậy, chúng sinh vì si ái nên chấp thủ nặng nề vào năm uẩn nhưng kỳ thực năm uẩn luôn vô thường, không tự thể, là không. Khi đã sáng tỏ mọi chuyện, vô minh diệt minh sinh, thì tất cả phiền não chấp thủ đều rơi rụng, hiển lộ Niết-bàn.

Tuy có đến bốn pháp nhưng thực sự chúng không tách rời mà tương tác mật thiết với nhau. Thế Tôn xem đó là “bốn pháp căn bổn”. Dù Phật pháp có đến thiên kinh vạn quyển nhưng giáo nghĩa vẫn không ngoài bốn pháp này. Vâng lời Phật dạy, người học Phật đã mặc định Vô thường, Khổ, Vô ngã và Niết-bàn là bốn dấu ấn để xác định Chánh pháp. Điều này đồng nghĩa với tất cả những luận thuyết, giảng giải giáo pháp của hậu thế mà không có các dấu ấn này là phi Chánh pháp.

Lúc sắp Niết-bàn, Thế Tôn đã ân cần dạy bảo các Tỳ-kheo “Vì khắp tất cả chúng sanh nói bày nghĩa ấy”. Người học Phật nói bày nghĩa lý của Vô thường, Khổ, Vô ngã và Niết-bàn không chỉ để nhận thức, để minh định Chánh pháp mà thực sự để sống an lạc, giải thoát với nguồn tuệ giác vô biên này.

Quảng Tánh (Theo: Giác Ngộ Online)

Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn