Giáo hội và Luật tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 (Kỳ 1)
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 chắc chắn sẽ tạo nên khung pháp lý và cách tiếp cận mới trong công tác quản lý các hoạt động và tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có GHPGVN.
Có ý kiến cho rằng, với cách thức hoạt động từ thiện xã hội thiếu tập trung hiện nay,
Giáo hội sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới có hiệu lực - Ảnh: Bảo Thiên
Bước đi thận trọng
Giữa năm 2004, sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam có sự thay đổi lớn khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trước tình hình mới lúc bấy giờ. Nội dung Pháp lệnh thể hiện sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Sau 10 năm được áp dụng, Pháp lệnh và các văn bản liên quan thể hiện sự bất cập, thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Năm 2013, Hiến pháp mới được ban hành đã có sửa đổi quan trọng liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo do đó phải cần một bộ luật mới để cụ thể hóa.
Tuy vậy, mãi đến 3 năm sau, qua nhiều lần góp ý và điều chỉnh với một quy trình khá dài, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 mới được Quốc hội thông qua. Và đến đầu năm 2018, bộ luật này mới chính thức có hiệu lực. So với nhiều luật riêng biệt điều chỉnh một số lĩnh vực nào đó trong xã hội Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 được khởi sự xây dựng, ban hành và áp dụng đã chiếm một khoảng thời gian khá dài với nhiều thận trọng.
TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng II TƯGH, một trong những vị giáo phẩm nhiều lần được mời tham gia góp ý dự luật nhận định, trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới rất đa dạng, có nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam nên ban hành luật mới là cần thiết để bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế và phù hợp với thực tiễn.
“Bộ luật đã khắc phục những tồn tại, bất cập; tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan”, TT.Thích Thiện Thống đánh giá.
Trong khi đó, theo lời thuật của HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH, một trong những vị giáo phẩm Phật giáo đương nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV và cũng là người tham gia nhấn nút thông qua bộ luật thì sau hơn 3 năm chuẩn bị với nhiều phiên thảo luận gay gắt cả ở hội trường lẫn ở các tổ, phần lớn các đại biểu Quốc hội thể hiện đồng thuận cao với việc ban hành luật.
“Không khí nghị trường Quốc hội khi chính thức thông qua dự luật khá hoan hỷ và thoải mái. Các bộ phận liên quan đã nỗ lực hết mình để có thể hình thành văn bản pháp quy tốt nhất điều chỉnh một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh của một xã hội nên toàn thể đại biểu đã nhất trí trong biểu quyết,” HT.Thích Bảo Nghiêm nhớ lại.
Cơ hội và thách thức
Nhận định về những thuận lợi và khó khăn trong sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử và công tác quản lý, điều hành mọi Phật sự của Giáo hội sau khi luật sẽ được áp dụng chính thức vào đầu năm 2018, TT.Thích Thiện Thống cho rằng Giáo hội sẽ vận hành một cách hanh thông vì không chịu nhiều tác động:
“Đối với những tổ chức đã đi vào nề nếp và có sự ổn định như Giáo hội của chúng ta, việc áp dụng luật sẽ thật sự dễ dàng vì các điều chỉnh đều hướng đến việc cải thiện và đơn giản hóa phương thức quản lý của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Khi đó, bộ luật sẽ tạo ra những hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở và là công cụ hữu hiệu, đắc lực giúp cho Giáo hội dễ dàng triển khai các hoạt động xã hội, cộng đồng mang tính quy mô, thiết thực”, TT.Thích Thiện Thống khẳng định.
Thống nhất với quan điểm của TT.Thích Thiện Thống, HT.Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng II TƯGH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương khẳng định, các nội dung của luật về hoạt động y tế, giáo dục của tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ là tiền đề để Giáo hội tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực này dựa vào nguồn lực về con người, về cơ sở thờ tự đông đảo và phân bố rộng khắp trên cả nước.
Quan tâm đến thủ tục hành chính, HT.Thích Bảo Nghiêm nhận định, luật mới và các nghị định hướng dẫn sau này sẽ giảm thiểu rất nhiều những yêu cầu không cần thiết và làm mất thời gian. Lấy đơn cử về việc từ trước đến nay, thực hiện các thủ tục pháp lý để được chấp thuận xuất gia tu học, một vị thiện nam hoặc tín nữ phát tâm phải đi xin xác nhận từ cấp xã phường đến cấp tỉnh. Hay như việc phải được cấp tỉnh cho phép nếu hoạt động tôn giáo của một tự viện đón tiếp tín đồ từ nhiều huyện tham gia. Theo HT.Thích Bảo Nghiêm, như thế là quá nhiêu khê, không phù hợp và tạo nên những rào cản không đáng có.
“Luật mới sẽ bãi bỏ hết các bước đi này mà chỉ yêu cầu động thái thông báo với cấp chính quyền có trách nhiệm tại nơi đặt cơ sở tự viện nhận người xin xuất gia tu học. Riêng đối với việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, cơ sở thờ tự chỉ cần thực hiện ở cấp xã nơi tọa lạc cơ sở đó. Điều này cho thấy sự thay đổi theo hướng tích cực, đáp ứng với vấn đề mang tính lịch sử vì chúng tôi nhiều lần góp ý rằng trong quan niệm của người Việt, chùa là của chung, dành cho tất cả mọi người. Tín đồ càng đi lễ nhiều chùa khác nhau thì sẽ đạt được nhiều điều phước lành mà không nhất thiết phải đến viếng chỉ một ngôi chùa nơi mình ở”, HT.Thích Bảo Nghiêm giải thích.
Riêng HT.Thích Minh Thiện, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An thì cho hay, đối với một tổ chức có mối quan hệ sâu rộng với nhiều tổ chức trên thế giới như Giáo hội, việc luật quy định chi tiết, cụ thể về phương diện hoạt động quốc tế sẽ tạo cơ hội cho Tăng Ni, Phật tử trong nước tiếp cận nhiều truyền thống tu học khác nhau, kết thân với những người đồng đạo đến từ nhiều quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ để chia sẻ các kinh nghiệm trong thực tập và hoằng pháp.
Ở chiều ngược lại, HT.Thích Thiện Bảo, UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯGH cho rằng Giáo hội sẽ gặp không ít thách thức trên con đường nhập thế. Theo Hòa thượng, với cách thức hoạt động từ thiện xã hội manh mún, thiếu tập trung và không mang tính chiến lược dài hạn như ở ta hiện nay, Giáo hội sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau khi bộ luật có hiệu lực.
“Dự báo sẽ có nhiều cơ sở y tế tư nhân, cơ sở giáo dục dân lập do các tổ chức tôn giáo thành lập và hoạt động một cách hợp pháp trong thời gian tới, trong khi đó tổ chức Giáo hội chúng ta vốn không mạnh trong lĩnh vực này. Giáo dục và y tế vẫn là nhu cầu mang tính bức thiết của con người và với tổ chức tôn giáo, đây cũng là con đường hành đạo hữu hiệu nếu biết cách vận dụng”, HT.Thích Thiện Bảo tâm sự.
Nỗi băn khoăn này cũng xuất hiện trong suy nghĩ của HT.Thích Minh Thiện. Vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo tỉnh Long An đề cập đến khả năng Giáo hội cần phải nhanh chóng điều chỉnh nhiều văn bản pháp quy đã ban hành thì mới có thể hài hòa với bộ luật và phù hợp với xu thế mới, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Tăng Ni, tín đồ cả nước, xứng đáng là ngôi nhà chung của những người con Phật mang dòng máu Việt.
“Tôi đã từng nghe nhiều vị đại biểu trong các cuộc hội thảo lên tiếng việc Giáo hội ban hành những văn bản tự làm khó chính mình, đặc biệt liên quan đến việc công nhận cơ sở thờ tự mới trong khi pháp luật được điều chỉnh theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn”, HT.Thích Minh Thiện chia sẻ.
Bảo Thiên (Theo: Giác Ngộ Online)