310 577
Admin. 15:00:16 06-04-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1895.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Báo cáo tổng kết HPKS sau 35 năm tham gia GHPGVN

Báo cáo tổng kết HPKS sau 35 năm tham gia GHPGVN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch nhị vị Hòa thượng Phó pháp chủ HĐCM và Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni,

Kính thưa quý Phật tử tri thức hiện diện,

Việc Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam cùng tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 là một sự kiện trọng đại đối với truyền thống Đạo Phật Khất Sĩ, đã mở ra một chương mới cho cộng đồng Tăng Ni Khất sĩ đồng hành cùng Giáo hội, cùng dân tộc qua phương châm “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Trong 3 nhiệm kỳ đầu (1981 – 1996), với tình hình chung của đất nước, chư Tăng Ni Khất sĩ phần lớn đều lặng lẽ tu tập và làm kinh tế với phương châm “dĩ nông vi thiền”, và cách sống “dĩ hòa vi quý” để duy trì và phát triển Hệ phái. 35 năm trôi qua nhanh, Hệ phái Khất sĩ tu học và sinh hoạt nhịp nhàng trong ngôi nhà Giáo hội, nay đã là nhiệm kỳ VII (2012 – 2017).

Nhân sự kiện GHPGVN tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, Hệ phái cũng tổ chức chào mừng sự kiện trên, đồng thời đúc kết các hoạt động Phật sự trong 35 năm qua. Thay mặt Ban Thư ký Hệ phái, chúng con xin trình bày tóm tắt về tình hình Hệ phái Khất sĩ, sau 35 năm hoạt động Phật sự trong lòng Giáo hội.

Kính bạch chư Tôn đức,

Tình hình chung của Tăng Ni Hệ phái sinh hoạt trong lòng Giáo hội PGVN tương đối ổn định. Các mặt Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội, ... tuần tự phát triển theo bước tiến của Giáo hội và xã hội.

1. Về Tăng sự

1.1. Số lượng và tình hình tu học

Số lượng Tăng Ni Khất sĩ hiện nay là 3.224 vị, trong đó, Tăng có 899 vị, Ni 2325 vị. Số lượng tịnh xá tương đối tăng lên nhiều, chủ yếu ở miền Tây và miền Đông Nam bộ và vài tỉnh miền Trung duyên hải. Một số tịnh xá có mặt ở vùng sâu vùng xa, hải đảo và miền Bắc.

Đời sống chư Tăng Ni Khất sĩ phần lớn khiêm tốn, vừa tu tập vừa hướng dẫn Phật tử đồng tu. Có một số ngôi tịnh xá còn khó khăn kinh tế, nên vẫn phải tự nỗ lực làm nông, làm rẫy để duy trì sinh hoạt và xây dựng cơ sở vật chất.

Chế độ quy củ Tăng-già sinh hoạt vẫn đều đặn và duy trì được đường lối tông môn Khất sĩ qua tổ chứcAn cư tập trung tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM, nay chuyển sang Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2, TP. HCM) và Tịnh xá Ngọc Phương (Q. Gò Vấp) và một số ngôi đạo tràng tiêu biểu khác. Tổ chức Tự tứ vẫn duy trì được như thời Phật Tăng xưa. Sau 3 tháng An cư, chư Tăng trở về điểm được Giáo đoàn tổ chức Tự tứ - Vu lan để tác pháp sám hối, cầu sự chỉ lỗi. Pháp An cư vẫn còn duy trì tốt ở các Giáo đoàn.

Từ năm 2010, được sự cho phép của Trung ương Giáo hội, chư Tăng Hệ phái mỗi năm tổ chức 3 khóa tu Truyền thống Khất sĩ. Mỗi khóa 7 ngày. Đến nay đã được 20 khóa. Ni giới Hệ phái Khất sĩ (Tổ đình Ngọc Phương) đã tổ chức được 24 khóa. Theo cách tổ chức của chư Tăng, chư Ni thuộc các Giáo đoàn Tăng cũng tổ chức các khóa tu học tùy theo điều kiện hoàn cảnh cho phép của mỗi Giáo đoàn. Nhìn chung, tinh thần tu học của chư Tăng và Ni giới trong 5 năm trở lại đáng được khích lệ, tán dương.

1. 2. Tham gia Giáo hội

Bên cạnh việc thực hành theo lời Phật, lời Tổ dạy, chư Tăng Ni Hệ phái cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của Giáo hội giao phó. Ngay từ những buổi đầu tiên bình minh lịch sử của Giáo hội, một số vị Tôn túc của Hệ phái đã tích cực tham gia vận động để thành lập GHPGVN: HT. Giác Nhu, HT. Giác Phúc, HT. Giác Toàn, HT. Giác Trang, NT. Huỳnh Liên, NT. Ngoạt Liên, v.v...

Một số vị Tôn túc vẫn đang tiếp tục gánh vác trọng trách như HT. Giác Nhường (Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM), HT. Giác Tường (Ủy viên Thường trực HĐCM), HT. Giác Phúc (Thành viên HĐCM), HT. Giác Ngộ ((Thành viên HĐCM), HT. Giác Lai (Thành viên HĐCM), HT. Giác Cầu (Thành viên HĐCM), HT. Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS kiêm một số trọng trách trong 13 Ban Viện Trung ương GHPGVN). Một số vị rường cột của Hệ phái và Giáo hội đã viên tịch: HT. Giác Nhu (Phó Pháp chủ GHPGVN), HT. Giác Trang (Thành viên HĐCM), HT. Giác Dũng (Ủy viên Thường trực HĐCM), NT. Huỳnh Liên (Ủy viên Kiểm soát Thường trực HĐTS), NT. Tạng Liên, ...

Với tinh thần đồng hành cùng Giáo hội và Dân tộc, dấn thân phụng sự xã hội nhân sanh, nhiều chư Tôn đức Tăng Ni có phẩm hạnh và năng lực đã tham gia hầu hết các Ban, Viện Trung ương Giáo hội. HĐCM hiện có 6 vị. HĐTS có 8 Tăng và 6 Ni, trong đó có HT. Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN), HT. Giác Giới (Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN), TT. Minh Thành và NT. Ngoạt Liên (Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN). Có 5 vị Ủy viên HĐTS: HT. Minh Bửu, TT. Giác Nhân, NT. Tràng Liên, NS. Tín Liên, NS. Hòa Liên. Có 5 vị Ủy viên HĐTS dự khuyết: HT. Giác Pháp, HT. Giác Sơn, ĐĐ. Giác Hoàng, NS. Phụng Liên, NS. Tuệ Liên. Ngoài ra có khoảng 160 vị Tăng Ni tham gia các cấp Giáo hội với nhiều chức năng khác nhau. Tại Học viện, Hệ phái có 18 vị tham gia giảng dạy (trong đó có HT. Giác Toàn làm Phó Viện trưởng Thường trực). Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương có 5 vị tham gia (trong đó có HT. Giác Toàn làm Phó Trưởng ban Thường trực), Ban Hoằng pháp Trung ương có 10 vị tham gia (TT. Minh Thành làm Phó Trưởng ban), Ban Từ thiện xã hội có nhiều vị tham gia (HT. Giác Hà làm Phó ban từ thiện Trung ương), Ban Nghi lễ Trung ương trong đó có HT. Giác Pháp làm Phó ban Nghi lễ Trung ương và nhiều Ban Viện khác đều có sự tham gia của chư Tôn đức Tăng Ni Khất sĩ.

1.3. Cơ sở hạ tầng tịnh xá do chư Tăng Ni quản lý

Trước tháng 7 năm 1981, Hệ phái có tất cả trên 350 ngôi đã có bảng hiệu và xây dựng bằng vật liệu nhẹ, đơn sơ: gỗ, ván, tre... Sau năm 1981 đến nay, Hệ phái đã tôn tạo thêm được 149 ngôi. Tổng cộng tất cả hiện nay là 569 ngôi. Có khoảng 150 đạo tràng gần đây được trùng tu, hoặc sửa chữa bằng bê tông cốt thép, góp phần mỹ quan cho quê hương xứ sở. Như tại TP. HCM, các tịnh xá hầu như đều được sửa chữa rất khang trang, rộng thoáng: TX. Trung Tâm (Q. Bình Thạnh), Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2), TX. Ngọc Đăng (Bình Thạnh), TX. Trung Tâm (Q. 6), TX. Lộc Uyển (Q. 6), TX. Ngọc Phương (Q. Gò Vấp), TX. Ngọc Phú (Tân Bình), TX. Ngọc Lâm (Q. 6). Tại các tỉnh thành khác: TX. Ngọc Viên (Vĩnh Long), Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), TX. Ngọc Nhơn (Bình Định), TX. Ngọc Tòng (Nha Trang), TX. Ngọc Quang (Đăk Lăk), TX. Ngọc Thiền (Đăk Nông), TX. Ngọc Cẩm (Quảng Nam), TX. Ngọc Phúc (Gia Lai), TX. Ngọc Đà (Đà Lạt), TX. Ngọc Bảo (Phan Rang), TX. Ngọc Minh (Phan Thiết), TX. Ngọc Chơn (Bình Phước), TX. Ngọc Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu), TX. Ngọc Tâm (Long An), TX. Ngọc Hòa (Sóc Trăng), đều là những tịnh xá tiêu biểu của tỉnh/thành... Mỗi tỉnh từ Quảng Trị trở vào Nam trung bình đều có 5 - 7 tịnh xá được trùng tu. Có thể nói giai đoạn này là giai đoạn củng cố, trùng tu hơn là tạo dựng đạo tràng mới.

35 gh 5

2. Giáo dục Tăng Ni

Thời kỳ này là thời kỳ tri thức, trăm hoa đua nở. Chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ đều được đào tạo bài bản ở các trường Phật học của Giáo hội và các trường Phật học ở nước ngoài.

Hiện nay số lượng Tăng Ni Khất sĩ có bằng Cử nhân Phật học là 279 vị. Thạc sĩ có 28 vị. Tiến sĩ có 41 vị. Đang học Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ và Hậu tiến sĩ ở Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan: 81 vị. Ngoài ra, có 91 Tăng Ni sinh (K. X: 37, K. XI: 54) đang học tại Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM và một số Tăng Ni đang bổ túc việc học ngang qua hệ Đào tạo từ xa tại Học viện.

Với đội ngũ trí thức đã tốt nghiệp Tiến sĩ và Thạc sĩ ở các nước về, Hệ phái đã tích cực tham gia công tác giảng dạy tại Học viện PGVN tại TP. HCM và các trường Trung cấp Phật học. Song song với việc đào tạo Phật học, một vài vị Tôn túc đã mạnh dạn cho đệ tử học thêm thế học các ngành như Báo chí, Ngữ văn, Văn hóa, Quản lý Giáo dục, Y học,... tại các Trường Đại học nhằm phục vụ Đạo pháp và xã hội.

3. Văn hóa Phật giáo

Văn hóa Phật giáo gắn liền với văn hóa dân tộc. Văn hóa còn là bản sắc dân tộc còn. Được sự chứng minh của HĐTS GHPGVN, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Định hướng Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng với bốn đề tài: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản. Tại Hội thảo khoa học và các cuộc khảo sát thực địa do Ban Văn hóa Trung ương thực hiện, chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội khẳng định Hệ phái Khất sĩ là một trong những Hệ phái góp phần rất lớn trong việc phát huy nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ngôn ngữ được sử dụng trong kinh tụng là thuần Việt. Pháp phục dành cho Tăng Ni và cư sĩ được chiết trung giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền và kếp hợp với nền văn hóa y phục của Việt Nam. Kiến trúc tịnh xá theo lối kiến trúc bát giác, với những nét đặc thù khác, hoành phi đối trong chánh điện bằng tiếng Việt, tạo nên bản sắc rất riêng, mang đậm dấu ấn của người Việt. Di sản văn hóa phi vật thể của Hệ phái đã góp phần khẳng định tư tưởng dung hợp, sáng tạo của Tổ sư, tạo nên những nét đặc thù của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Do đó, Hệ phái cần bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa Phật giáo Khất sĩ.

4. Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử

Hoằng pháp là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng của người con Phật. Đối với Hệ phái Khất sĩ, việc hoằng pháp trở thành bổn phận mỗi ngày. Do đó, chư Tăng Ni đã tích cực tổ chức các khóa tu và thuyết giảng. Có khoảng 120 đạo tràng tổ chức tu Bát Quan trai mỗi tháng 2 ngày. Khoảng 80 đạo tràng có khóa tu Niệm Phật (mỗi tháng 2 ngày, hoặc mỗi tháng một ngày). Các khóa tu thiền 3 – 5 ngày, hoặc 7 ngày (mỗi năm 4 - 5 khóa), hoặc khóa tu thiền Vipassana 10 ngày, các khóa tu mùa hè, v.v... được tổ chức ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh Cao nguyên. Mỗi khóa tu ít nhất là 50 người, có khóa lên đến 200 người.

Việc thống kê số lượng tín đồ của Hệ phái Khất sĩ đến nay chưa thống kê cụ thể được, nhưng trung bình mỗi tịnh xá ít nhất là khoảng 100 người, cộng với những Tổ đình và các cơ sở tịnh xá lớn, mỗi tịnh xá khoảng 1.000 người. Ước tính có khoảng trên dưới 50.000 (năm chục ngàn) Phật tử đã quy y từ Hệ phái Khất sĩ.

Ngoài ra còn có sinh hoạt Gia đình Phật tử, Lớp Giáo lý, Câu lạc bộ do chư Đại đức Tăng Ni hướng dẫn, định hướng cho thế hệ trẻ biết được Phật pháp và sống có ích đối với bản thân và xã hội.

6. Công tác Từ thiện Xã hội

Với tinh thần Bố thí, thể hiện lòng từ bi, thực hành lời Phật dạy, chư Tăng Ni Khất sĩ mỗi năm tổ chức nhiều chuyến từ thiện cứu trợ khi đồng bào lâm vào cảnh thiên tai bão lụt. Các vị tổ chức cứu trợ tặng nhà tình thương cho người nghèo, tặng quà cho nạn nhân chất độc màu da cam, bệnh nhân ung bướu, bát cơm ngàn nhà, người neo đơn, lão bệnh, v.v... Tổng kết sơ bộ tịnh vật, tịnh tài do chư Tăng Ni và Phật tử Khất sĩ vận động được, trung bình mỗi nhiệm kỳ trên hàng trăm tỷ đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo và chia sẻ nỗi khó khăn chung của xã hội.

Một số Ban khác như Pháp chế, Kiểm soát, Viện Nghiên cứu Phật học, v.v... được một số chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái tham gia, góp phần cho sự ổn định và phát triển Giáo hội.

KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Thưa đại chúng,

Nhìn chung, Hệ phái Khất sĩ đã gắn bó, đồng hành với GHPGVN suốt 35 năm qua, đã đóng góp một phần công sức của mình cho sự hòa hợp, ổn định và phát triển của Giáo hội.

Sự thành tựu đáng kể này là nhờ sự trợ duyên của Giáo hội và sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể Tăng Ni và tín đồ Phật tử Hệ phái. Bên cạnh những thành tựu là những tồn tại chưa khắc phục, do vì yếu tố khách quan hay chủ quan. Hy vọng rằng, những tồn tại chưa được khắc phục sẽ được khắc phục trong tương lai gần. Giáo hội PGVN sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Phật giáo Khất sĩ cùng đồng hành với chư Tôn đức Giáo hội mang lợi lạc đến cho chúng hữu tình.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.

Theo: Đạo Phật Khất Sĩ

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn