Tiểu sử Đức Thầy Giác Lý (1910 - 1973)
Đức Trưởng lão Giác Lý là một trong những vị đệ tử lớn của Tổ Sư Minh Đăng Quang, một trong những vị môn đồ gánh vác trách nhiệm vun bồi nền đạo, tiếp nối Tổ sư. Mặc dù xuất gia lúc tuổi trung niên, nhưng Trưởng lão đã không ngừng gia công tu tập, tận dụng những năng lực sẵn có của mình để vào biển Phật Pháp. Sau khi Tổ sư vắng bóng, Ngài tiếp tục bồi đắp con đường do Tổ Sư vừa khai vạch. Bất chấp mọi khó khăn gian khổ, tinh tấn và kiên trì, Ngài đã thành công trong việc tự giác, giác tha, hoàn thành sứ mạng xiển dương Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
***
Đức Trưởng lão Giác Lý xuất thân trong một gia đình phúc hậu, Nho phong trọng lễ giáo. Đất Gò Công là nơi sinh trưởng, để một đời đạo tục dung thông. Tục danh Ngài là Lê Văn Ba, sinh năm 1910, tại xã Tân Niên Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Thân sinh là cụ ông Lê Văn Nhơn, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Để.
Thuở nhỏ Ngài học cả Hán văn lẫn Quốc ngữ, sau khi đỗ bằng Thành Chung (tương đương với bằng cấp hai hiện nay), Ngài nghỉ học để phụ giúp mẫu thân sau khi cụ ông thân sinh từ trần. Năm 24 tuổi, Ngài vâng lời thân mẫu kết hôn với cô gái cùng làng. Mối duyên nợ được 6 năm, vợ và con đều lần lượt từ trần.
Vốn đã có căn lành từ nhiều kiếp trước, lại thêm chứng kiến cảnh vô thường, tạm bợ của kiếp nhân sinh, nên năm vừa tròn 30 tuổi, Ngài phát nguyện thọ trường trai theo pháp môn Tịnh Độ tại chùa Dư Khánh, Gò Công. Với sự quyết tâm tinh tấn tu hành, rèn luyện trí tâm, Ngài rất được thầy khen bạn quý.
Năm 1952, chiếc thuyền từ Giáo hội Khất Sĩ do Tổ Sư Minh Đăng Quang lèo lái cập bến tỉnh Gò Công và phát chí xuất trần. Pháp lành được ban rãi, tâm đạo thấm nhuần, Ngài ngộ chân lý và xin được dự vào hàng xuất gia Khất Sĩ giải thoát. Được Tổ sư thâu nhận, thọ ký pháp danh Giác Lý. Chẳng bao lâu sau, đạo hạnh tăng trưởng, Ngài được Tổ sư trao truyền Sa Di giới tại Linh Bửu Tự, Vũng Tàu, năm 1952.
Đức Thầy Giác Lý (1910 - 1973)
Năm Giáp Ngọ (1954), Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ngài tiếp tục theo gót Tăng đoàn hành trì giáo Pháp Khất Sĩ rày đây mai đó, vừa học vừa tu. Năm sau (1955) Ngài thọ cụ túc giới Tỳ-kheo vào rằm tháng bảy tại Tịnh xá Ngọc Phước, Cần Thơ. Sau 2 năm cùng Tăng đoàn hành đạo tại các tỉnh miền Tây, Ngài xin phép chư Tăng lên Thất Sơn tịnh tu. Du hành khắp miền Thất Sơn, Ngài đến núi Điện Bà, Tây Ninh tiếp tục mật tu tại động Long Ẩn. Nơi đây theo hạnh nguyện “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, Đức Trưởng lão đã tiếp độ nhiều vị Sư tu núi theo về đường lối giáo pháp Khất Sĩ.
Ngày 10 tháng 6 năm 1960, Đức Trưởng lão dẫn đoàn xuống núi chứng minh lễ khánh thành Tịnh xá ở Gò Dầu Hạ, sau đó về dự lễ Tự Tứ tại Trà Vinh. Sau ngày Rằm tháng 7 năm 1960, Ngài chính thức thành lập Giáo đoàn V đi hành đạo và cất lập đạo tràng tịnh xá để độ sanh. Đất Vĩnh Long, quê hương Sư Tổ, đạo tràng đầu tiên đặt tên Tịnh xá Ngọc Tân. Rồi từ đó, Tịnh xá được dựng lập theo bước chân đức Ngài vân du hành đạo. Với vốn kiến thức sẵn có cộng thêm đức hạnh rạng ngời và nhiệt tâm cao độ, trong khoảng 10 năm hành đạo, Ngài thu nhận hàng trăm vị đệ tử xuất gia, kiến tạo hơn 20 ngôi tịnh xá ở miền Nam và Trung phần, góp phần không nhỏ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Năm 1965, Ngài dừng chân tại Phú Lâm (Quận 6 - TP. HCM) xây dựng Tịnh xá Trung Tâm làm cơ sở điều phối mọi Phật sự của Giáo đoàn.
Thể hiện tinh thần tự độ, độ tha, ngoài tinh thần cần tu siêng học theo tôn chỉ đức Tổ Sư, Ngài đã tiếp Tăng độ chúng, kiến lập đạo tràng, kêu gọi khích lệ Phật tử tích cực tham gia các công tác từ thiện xã hội. Mặc dù Ngài là bậc chuyên tu, không bận tâm nhiều đến các tổ chức xã hội, nhưng Ngài được chư Tôn đức và các chức sắc lãnh đạo thời đó tôn kính và mời đảm nhận những chức trách quan trọng như:
- Trưởng Giáo Đoàn V (hệ phái Khất Sĩ).
- Phó Viện trưởng Viện Hành đạo GHTGKSVN.
- Cố vấn Hội đồng Liên phái Phật giáo.
Đối với chúng sanh, nhất là các hàng môn đệ, Ngài còn thấm tình đậm nghĩa hơn. Khoảng 20 năm lao nhọc giáo hóa, Ngài bất bì lao quyện, nguyện độ tất cả chúng sanh, nên trong quá trình hành đạo đó đây, đối tượng nào cũng được Ngài tế độ. Chưa bao giờ Ngài tỏ ra chán nản hay lùi bước trên đường hóa Đạo, dù đôi lúc gặp lắm chướng duyên. Ý chí nghị lực của Ngài thì vô cùng kiên cường, son sắt. Bên ngoài thì khiêm hạ mật hạnh, nhưng bên trong thì hạnh nguyện lại rộng to. Với vóc dáng thể chất cằn cỗi già nua như gốc tùng đỉnh núi, nhưng tinh thần thì vô úy bất diệt tựa Thái Sơn.
Với ba y một bát, Ngài không ngừng chu du khắp chốn để thuyết Pháp độ sanh. Từ Quảng Trị đến Cà Mau, hầu như đều có bước chân Ngài hóa độ. Các ngôi Tịnh xá dựng lập thì từ phố cổ Hội An, Nha Trang thùy dương cát trắng, Phan Rang - nắng lửa xứ Chàm, đến Đà Lạt mộng mơ, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, … miền Nam đều có ấn tích của Ngài để lại. Trước những thảm trạng bi đát của đồng bào, Ngài không nỡ ngồi yên, mà xả thân vào công tác từ thiện. Không một việc làm hữu ích nào mà Ngài từ chối, ngay cả đến giây phút cuối cùng trước khi thị tịch. Tịnh xá Ngọc Đa (Núi Lớn, Vũng Tàu) là chứng tích minh chứng hùng hồn cho sự lân mẫn và quan tâm của Ngài trong việc trùng kiến Tam Bảo và hóa độ chúng sanh trong những ngày cuối đời Ngài.
Hóa duyên viên mãn, Ngài xả báo an tường, thu thần thị tịch tại Tịnh xá Ngọc Đa, Vũng Tàu vào ngày 23 tháng 02 năm Quý Sửu (1973). Sau khi trà tỳ, tro tàn xá lợi được phân chia xây tháp phụng thờ ở hai nơi: Tịnh xá Ngọc Đa (Vũng Tàu) và Tịnh xá Ngọc Tháp (Ninh Thuận).
Ngài ra đi như cánh nhạn lưng trời, Tăng Ni và Phật tử không khỏi ngậm ngùi kính tiếc. Cố Ni Trưởng Huỳnh Liên đã ghi tạc ơn đức độ sanh của Ngài mà cảm tác:
Đức hoằng Pháp tô son kinh điển,
Công độ sanh tạc đá sơn hà,
Sao chẳng ở cùng dân tộc chia bùi, sẻ ngọt,
Sao đành đi để Phật tử mất mẹ, mất cha !
Công hạnh và đạo phong của Trưởng lão là tấm gương sáng cho hàng môn đồ đệ tử noi theo tu tập. Mặc dù hôm nay hình bóng Ngài không còn nữa, nhưng gương lành đạo hạnh của Ngài vẫn không phai mờ và ân lành giáo hóa của Ngài vẫn mãi khắc ghi trong lòng tứ chúng đệ tử.
Môn đồ Pháp quyến (Theo: Đạo Phật Khất Sĩ)