Ni giới Khất sĩ, một dấu ấn trước dòng thời gian
Nguyện xin hiến trọn đời mình,
Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.
Lời nguyện tha thiết của Ni trưởng như vẫn còn văng vẳng đâu đây, sâu lắng tận đáy tâm hồn như thúc giục, nhắc nhở chúng ta về một lẽ sống “Đạo và Đời”. Vì thế mà sau khi xuất gia tu học với Tổ sư Minh Đăng Quang, Tổ khai sơn Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, một giáo phái mang riêng bản sắc Việt Nam, Ni trưởng đã được Tổ sư thọ ký pháp danh Huỳnh Liên và từ đó Ni trưởng trực tiếp học đạo, nghe pháp với Tổ sư qua những bài chân lý thực sống, bằng những thử thách gay go trên đường hành đạo, để rèn luyện ý chí, giồi trau phẩm hạnh, hầu khai thị pháp thân, nối truyền huệ mạng, tuyên lưu giáo pháp Phật Đà. Ni trưởng đã được sự ủy thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni, trong phận sự trưởng tử Ni.
Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987)
Với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở che phái nữ, Ni trưởng đã nỗ lực lèo lái Giáo hội Ni giới Khất sĩ song song con thuyền Giáo hội Tăng già, tuyên lưu Phật pháp rộng sâu trong quần chúng nhân gian, khai mở đạo tràng, giáo dưỡng môn sinh, cứu trợ nạn nhân chiến tranh, nuôi dưỡng quả phụ cô nhi và cùng nhân dân đấu tranh giành hòa bình, thống nhất đất nước, đòi quyền sống cho phụ nữ.
Đặc biệt, Tịnh xá Ngọc Phương, trung tâm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử của Ni trưởng Huỳnh Liên, được thành lập từ năm 1958 là một trong hơn một trăm ngôi Tịnh xá từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau do Ni trưởng kêu gọi, đóng góp xây dựng nên, và riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 20 Tịnh xá trực thuộc Ni giới Khất sĩ dưới sự quản lý của Ni trưởng Huỳnh Liên, luôn mở rộng cửa đón nhận các nạn nhân chiến tranh, trẻ mồ côi và cũng làm hậu cần nuôi dưỡng các phong trào sinh viên học sinh đấu tranh và những người làm cách mạng.
Ni trưởng Huỳnh Liên trên đường hành đạo
Với chủ trương bất bạo động, Ni trưởng Huỳnh Liên đã dẫn đầu các cuộc biểu tình lên án Chính phủ Mỹ gây chiến tranh tại Việt Nam, cũng như phản đối ngụy quyền đàn áp, bắt bớ sinh viên học sinh, kỳ thị tôn giáo, phá hoại các cơ sở tín ngưỡng, đàn áp tù chính trị. Ni trưởng cũng tích cực đấu tranh đòi vãn hồi hòa bình tại Việt Nam. Ngoài ra, Ni trưởng còn hướng dẫn Ni giới Khất sĩ tham gia hàng loạt các phong trào yêu nước khác như hỗ trợ đình công của các công nhân bị chủ bóc lột, vận chuyển tiền bạc, thuốc men cho các chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Song, mốc thời gian đánh dấu cho bước phát triển toàn diện các hoạt động yêu nước của Ni giới Khất sĩ, đó là việc Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào “Phụ nữ Đòi quyền sống”, được ra mắt tại chùa Ấn Quang ngày 02.08.1971 và trụ sở của phong trào đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương do bà Ngô Bá Thành lãnh đạo với tuyên ngôn “Đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập một chính phủ thật sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ”. Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống được diễn ra sôi động tại Sài Gòn, được các giới ủng hộ và có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các năm tiếp sau, Ni trưởng tiếp tục tham gia thành lập Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình do cụ Đặng Văn Ký làm chủ tịch.
Chiến tranh càng lúc càng leo thang, Ni trưởng ngày càng hòa nhập phong trào quần chúng, đấu tranh không súng không gươm, chỉ bằng đuốc trí tuệ, tính kiên trung, quyết liệt, không nại hà lửa bỏng dầu sôi, tích cực hy sinh cho quyền sống và hòa bình dân tộc. Do vậy mà Ni trưởng đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh bằng những biện pháp hết sức thông minh, linh hoạt, làm cho địch phải thất điên bát đảo; và từ đó, danh hiệu “Đội quân đầu tròn” bên cạnh danh hiệu “Đội quân tóc dài” đã hiên ngang đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, và những hoạt động của Ni trưởng đã làm cho ngụy quyền gặp nhiều lúng túng, buộc phải thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và quần chúng nhân dân. Các phong trào đấu tranh tiếp tục diễn ra sôi động với mục tiêu rõ rệt là đòi dân quyền, dân sinh, dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thực hiện Hiệp định Paris, đòi hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc... đã được các giới đánh giá rất cao.
Ni trưởng Huỳnh Liên và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại miền Nam Việt Nam
Chiến dịch Mùa Xuân 1975 đại thắng, nhưng dân tộc ta vẫn chưa vơi khổ cảnh, nỗi lòng Bồ-tát vẫn trĩu nặng ưu tư. Do vậy, Ni trưởng vẫn tiếp tục nhiệt tình hưởng ứng và tích cực vận động chư Ni, Phật tử nỗ lực đóng góp dài hạn tài vật cho Ni trưởng có phương tiện để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, phúc lợi xã hội, tuyến đầu Tổ quốc, đoàn kết tương trợ người già neo đơn, thiếu niên tàn tật, các trại nuôi trẻ mồ côi, các gia đình thương binh liệt sĩ... thăm và tặng quà cho thương bệnh binh, các bệnh nhân nghèo ở các trung tâm, trẻ em khuyết tật... Ngoài ra, Ni trưởng còn hướng dẫn Ni giới Khất sĩ trực tiếp tham gia các công tác xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, tham gia vào công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam bằng tất cả tâm huyết của một nữ tu chân chính luôn lấy nghĩa non sông làm nghĩa đạo, tất cả đều toát lên một vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng, tấm lòng vô ngã vị tha. Người những mong một xã hội công bằng - văn minh - bình đẳng, cơm no - áo ấm, con người nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, đoàn kết, thương yêu. Ni trưởng Huỳnh Liên “thật sự là hiện thân của hòa bình, nhuần nhuyễn tinh thần Phật giáo và tinh thần dân tộc” được thể hiện qua bài thơ:
“Dầu tu sĩ cũng công dân đất nước,
Vì tình thương, vì đạo đức đấu tranh.
Cho tự do trong độc lập hòa bình,
Cho hạnh phúc trong phồn vinh vĩnh cửu”.
(Khúc Thanh Bình)
Tuy bận rộn nhiều với các công tác từ thiện xã hội, nhưng phút giây nào Ni trưởng cũng vận dụng trí tâm, nỗ lực dùng thân, khẩu, ý giáo hóa môn đồ, độ cư gia bá tánh. Vốn có thiên phú về thi ca, Ni trưởng đã để lại cho đời hơn 2.000 bài thơ, bài kệ đủ loại, hàng ngàn bản văn xuôi, phần nhiều là khích lệ, sách tấn hội chúng xuất gia cũng như tại gia phải nỗ lực tiến tu đạo nghiệp, lấy Giới, Định, Tuệ làm căn bản trừ diệt tham sân si, sống trong sạch, giải thoát thanh cao, giồi trau kiến thức; phải luôn luôn đoàn kết, thực hiện pháp tam tụ lục hòa, vong kỷ lợi tha, sớm tinh cần cơm thiền sữa pháp, sao cho vừa cứu mình, vừa giúp người, vừa lợi đạo; thực hành nhiệm vụ thiêng liêng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” trong tứ phương thiên hạ để đáp ơn Phật pháp, Tổ Thầy. Ý thơ văn còn khuyến khích chúng Ni luôn luôn tỉnh giác vô thường, khổ, không, vô ngã, vừa hành thập thiện, lục độ, nếp sống thuần lương, vừa gởi gắm bổn hoài cư sĩ, vừa gọi hồn dân tộc, thúc giục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Và cũng để giúp cho Ni chúng, Phật tử lãnh hội được ý nghĩa súc tích, thâm sâu của kinh tạng chữ Hán và Pàli, Ni trưởng chủ trương Việt hóa bằng cách diễn dịch các kinh trên ra quốc ngữ, thể văn vần cho dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ. Một số kinh tụng thường nhựt được Ni trưởng diễn dịch như kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Báo Hiếu, Bát Nhã Tâm kinh, kinh Vô Ngã Tướng, kinh Pháp Cú, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Khóa Hư Lục, Qui Sơn Cảnh Sách... đã được xuất bản, tái bản nhiều lần. Lời thơ của Ni trưởng giản dị, trong sáng, với những hình ảnh cụ thể gợi cảm nên rất dễ đi vào lòng người.
Thơ đạo của Ni trưởng theo cảm niệm của Giáo sư Hoàng Như Mai thì đấy là những cụm hoa không phải kén chọn, ươm trồng, chăm sóc với những công phu dành riêng cho các loài hoa quý hiếm trong vườn thượng uyển, mà là hoa đồng, hương quê rất mộc mạc, thân mật với chúng sanh; ai cũng có thể và nếu ưa thích thì dễ dàng hái lấy để cài lên mái tóc hay đem về cắm ở nhà, không bị ngăn cấm gì hết vì là của chung của mọi người, để trong nhà, hương thơm lan tỏa khắp nơi, ai đến gần cũng được thơm lây. Đó là cái cách Ni trưởng đem đạo pháp đến cho mọi người.
Đặc biệt, trong sự nghiệp giáo hóa và dắt dìu Ni chúng, Ni trưởng luôn ôm ấp hoài bão đào tạo Tăng tài để “kế vãng khai lai”; Vì thế, ngoài việc hướng dẫn Ni chúng chuyên tu giải thoát, Ni trưởng còn khuyến khích hỗ trợ Ni chúng học thêm văn hóa, học rộng Phật pháp. Bởi vì Ni trưởng chủ trương: “Tu có học mới rạng ngời chánh pháp; học có tu mới lợi đạo, ích đời”. Và Ni trưởng vẫn thường xuyên nhắc nhở chư Ni: “Mỗi người học chữ phải trau giồi đạo đức, lấy sự tu chứng làm việc chứ không phải chỉ học suông. Mỗi người phải biết lấy công ơn tín thí, công ơn Thầy Tổ làm rường cột, kim chỉ nam cho sự học và hành đạo” (trích Lời di chúc của Ni trưởng).
Trong sự nghiệp tu học của Ni chúng, Ni trưởng cũng đã khuyến khích chư Ni trực tiếp lao động sản xuất, tạo nền kinh tế tự túc cho nhà chùa, góp phần cải thiện đời sống của chư Ni và Phật tử, cũng vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày một thăng hoa, giúp cho thành phố thân yêu ngày thêm tươi đẹp.
Dẫu rằng ngày nay Ni trưởng đã yên nghỉ nơi cõi Niết-bàn vắng lặng, nhưng sự nghiệp của Ni trưởng mãi còn đây, trong lòng thành phố thân yêu, trong tâm khảm những người con Phật, trong lòng Đảng, lòng dân, như cụ Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã viết: “Vô cùng thương tiếc Ni sư Huỳnh Liên, một vị chân tu giàu lòng yêu nước, bất chấp sự đàn áp dã man của địch, sẵn sàng chấp nhận mọi sự gian khổ hy sinh, kiên quyết xuống đường, đấu tranh dũng cảm kiên cường vì nền độc lập tự do của đất nước và nêu cao tinh thần xả thân vì chánh nghĩa theo gương sáng của Đức Phật”. Thật đúng như tâm nguyện của Ni trưởng:
“Đi ta đi! Quyết dấn thân vào,
Chốn khổ đau mà sớt khổ đau.
Người Việt lâm nàn, người Việt cứu,
Tương thân, tương trợ nghĩa đồng bào”.
(trích Lên Đường Cứu Khổ)
Phải chăng niềm tin yêu cuộc sống, yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý đã thúc giục giới tu sĩ Phật giáo từng bước đi lên, nối tiếp truyền thống phụng đạo cứu đời của các Thiền sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần; trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và còn biết bao tu sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp, dân tộc. Trong đó có hình ảnh của Ni trưởng Huỳnh Liên, Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Ni trưởng Huỳnh Liên đọc tham luận tại Đại hội thống nhất Phụ nữ toàn quốc (năm 1976)
Ngày nay đứng giữa ngôi Tịnh xá Ngọc Phương, nơi một thời Ni trưởng sống, làm việc và hành đạo, nay đã được Bộ văn hóa - Thông tin công nhận là “Di tích lịch sử” theo Quyết định số 2754QĐ/BT ngày 15.10.1994, chúng tôi muốn nói nhiều lắm, nhưng ngôn ngữ nào có thể diễn đạt cho tường tận, dẫu rằng dòng thời gian âm thầm trôi biền biệt, nhưng tấm gương sáng chói, công hạnh tuyệt vời, chí nguyện cao cả, đức trí viên dung và tinh thần bất khuất của Ni trưởng mãi mãi khắc sâu và rạng chiếu trong tâm khảm Ni giới Khất sĩ chúng tôi. Giờ đây, công hạnh của Ni trưởng đã viên mãn, báo thân Ngài đã từ giã cõi đời, để lại bao niềm tiếc thương vô hạn, nhưng đạo nghiệp của Người vẫn luôn vẻ vang, sáng chói trong mọi sinh hoạt Phật giáo và dân tộc:
“Chí bất khuất vì hạnh phúc tự do,
chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong Ni giới;
Nguyện kiên cường cho hòa bình độc lập,
tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn tòng lâm”.
(Hòa thượng Thích Từ Thông)
Ôi! Tấm lòng vì Đạo vì Đời của Ni trưởng mênh mông, bát ngát như biển khơi. Thành kính trân trọng những bước đi vừa hùng lực, vừa từ bi hỷ xả của Ni trưởng. Chúng con nguyện mãi mãi nỗ lực tinh tấn trong đạo nghiệp, thực hiện bổn hoài mà Ni trưởng đã một đời tâm niệm.
NT. Ngoạt Liên
(Trích bài Tham luận Hội thảo Quốc tế Sakyadhita lần thứ 11
về Phụ nữ Phật giáo tại TP Hồ Chí Minh - Việt Nam)