Minh Đức. 00:16:07 20-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1139.
Kích cỡ chữ:
Đường về nẽo giác
Tôi đang miên man thả hồn theo ý tưởng... Chợt chú Trúc Tuệ lên tiếng:
- Cô Vân, cô nói gì có liên quan đến tôi?
- Nữa chú nữa, tôi đã nói rồi tôi không biết mà?
Tính trẻ con, khi nghe chuyện gì mà có liên quan tới mình là phải biết cho bằng được. Chú Trúc Tuệ mặc dù đi tu nhưng cũng chưa thoát ra ngoài thông lệ đó, chú năn nỉ:
- Chuyện gì vậy cô, nói một chút nghe đi.
Biết không dấu được chú, tôi mắng yêu:
- Gớm cái chú này. Thôi được, tôi sẽ kể cho chú nghe.
Chú Trúc Tuệ mừng rỡ.
- Nói đi, nói lẹ đi cô.
- Nghe thầy Quảng Chúng bàn tính với Thầy Sự, Thầy Tri Khách, là theo ý của Hòa Thượng trụ trì, thì hiện nay Phật Giáo tại Hoa Kỳ cần phát triển và mở rộng Phật Pháp trong xã hội mới. Cho nên tăng ni ở đây ai cũng phải đi học, nhất là Anh ngữ và Hoa ngữ, bởi vì Hòa Thượng trụ trì cho rằng đây là hai ngôn ngữ chính có thể xử dụng để mở mang hoạt động, hoằng pháp lợi sanh, tạo sự xã giao với Phật Giáo Trung Quốc, Ðại Hàn, v.v... Hòa Thượng có ý định đó là bởi vì từ trước đến nay có thể nói rằng: Có rất nhiều đoàn thể Phật Giáo du nhập vào Mỹ, nhất là Phật Giáo Trung Quốc, và Phật Giáo Nhật Bản, đã du nhập vào Mỹ hơn cả trăm năm nay, nhưng vì du nhập vào Hoa Kỳ bằng con đường trí thức cho nên người Mỹ họ chỉ biết tìm hiểu về phương diện học thuật nghiên cứu mà chưa có dịp đi sâu vào phương diện thực hành. Hơn nữa, vì trở ngại ngôn ngữ cho nên phần lớn các giáo phái Phật Giáo có mặt tại Hoa Kỳ đều rơi vào cái vỏ cứng của màu da, ngôn ngữ. Nghe nói Hòa Thượng trụ trì mới đi dự đại hội về, trong đó có nhiều đại biểu Phật Giáo các nước, và tất cả đều quyết định phải mở rộng phạm vi sinh hoạt. Có nghĩa là mở rộng chương trình tu học khích lệ tăng ni cần phải học thêm ngoại ngữ để đáp ứng cả hai phương diện. Một là chúng ta có thể giới thiệu những nét đặc thù của Phật Giáo Việt Nam cho người Tây Phương. Hai là chúng ta có đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn con em Việt Nam sinh và trưởng thành tại Mỹ quên tiếng Việt, điều thiết yếu là chúng ta phải xử dụng cả hai ngôn ngữ để hướng dẫn, mà Anh ngữ và Hoa ngữ chính được chú trọng. Chú và một số tăng ni được Hòa Thượng trụ trì chú ý sẽ gởi ra ngoài để đi học.
Từ trước tới trước tới giờ chú Trúc Tuệ lắng tai chăm chú nghe tôi "thuyết giảng". Cuối cùng chú mới vỡ lẽ, nhưng lại cố trêu chọc:
- À tưởng chuyện gì, chứ chuyện đó, mà cô làm ra vẻ bí mật quá.
- Ừ, thì chú nghe tôi nói rồi thành ra nó không còn bí mật nữa. Chú còn... Nói đến đây, tôi định đưa tay nhéo lỗ tai của chú Giác Tuệ, nhưng nhìn lên chợt phát giác mình đã đến trước cửa tịnh thất của Hòa Thượng. Chú Trúc Tuệ biết thế, vội nhảy chồm về phía trước, tay gõ cửa tay che miệng lộ vẻ cười tinh nghịch.
Tiếng Hòa Thượng trụ trì từ trong vọng ra:
- Cửa đã mở, vào đi.
Gặp lại Hòa Thượng tôi vội vã quì đảnh lễ dưới chân ngài. Chắp tay chú nguyện, chờ tôi lạy một lạy xong, Hòa Thượng ôn tồn bảo :
- Thôi con, một lạy đủ rồi.
Chỉ chiếc ghế con bên cạnh, ngài nói tiếp:
- Ngồi đi con.
Tôi chắp tay lễ phép:
- Hòa Thượng cho phép con ngồi.
Chờ tôi ngồi xong ngài hỏi:
- Vân con, con đến đây được bao lâu rồi?
- Dạ, bạch Hòa Thượng, con đến đây gần sáu tháng.
- Con thấy không khí cũng như lối sinh hoạt ở đây ra sao?
- Bạch thầy, không khí ở đây thanh tịnh lắm. Lối sinh hoạt ở đây đượm màu thiền vị. Sống ở đây không bon chen như cuộc sống trần tục. Con thấy thoải mái và có cảm giác cuộc đời phiền não của con như được thay thế bằng lẽ sống từ bi và giải thoát.
Nghe tôi nói thế ngài khe khẽ gật đầu và nói:
- Con nói như vậy có nghĩa là việc thức khuya dậy sớm, sáng kệ tối kinh không làm cho con buồn nản chứ?
Tôi trả lời không do dự:
- Bạch thầy, những điều đó đã không làm cho con buồn nản, trái lại còn giúp con hiểu thêm, và giúp con thoát khỏi những phiền lụy ưu tư của kiếp người ...
Ngài khẽ gật đầu và hỏi tiếp:
- Kinh kệ, hôm nay con học được tới đâu rồi?
- Bạch thầy, con đã học thuộc xong hai đường công phu sáng và chiều, cúng ngọ, Tỳ Ni Nhật Dụng, Luật Sa Di, và oai nghi v.v...
- Con giỏi lắm đó, mới mấy tháng mà đã thuộc xong Lăng Nghiêm thì không phải tệ đâu; vậy ý định xuất gia của con có gì thay đổi không?
- Bạch thầy, dạ không, con đang cần nghe sự dạy bảo của thầy.
- Nếu con còn có ý định xuất gia thì thầy sẽ cho xuống tóc vào dịp rằm tháng bảy tới. Con thấy thế nào?
- Bạch thầy, con được sự giới thiệu của nhà sư hành khất đến đây chỉ có mục đích xuất gia tu học, hôm nay thầy đã hứa khả cho con mãn nguyện như vậy, thì còn gì sung sướng cho bằng. Ân đức tế độ của thầy con luôn luôn ghi nhớ trên bước đường tu tập đạo giải thoát.
- Thôi, con đừng nói vậy. Ðó là thói thường của nhân thế, chúng ta là con của Phật, chúng ta phải khác ở điểm này. Thầy muốn con lúc nào cũng giữ tâm niệm tu học cầu tiến là được rồi. Từ đây tới rằm tháng bảy còn vào khoảng hai mươi ngày nữa, vậy ngay từ bây giờ con chuẩn bị ít bộ quần áo vạt hò. Ðồng thời con cũng coi thầy Quảng Chúng, thầy Tri Khách cần con giúp đỡ gì thì con ráng tiếp tay với qúi thầy để cho ngày lễ thêm phần chu đáo nghe con.
Tôi kính cẩn đáp:
- Dạ. Con kính vâng lời.
Từ giã Hòa Thượng trụ trì, tôi trở lại công việc nhiên đăng trên chánh điện. Trong tối hôm nay bỗng dưng có hơi khác lạ. Cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng ẩn hiện trong tôi, tôi có cảm giác như tôi đã trở thành một con người mới. Con người phong sương phiền não của ba mươi năm về trước hình như đã tan biến, lẩn trốn ra xa khi nghe lời hứa khả của Hòa Thượng trụ trì:
- Con sẽ được xuống tóc xuất gia vào ngày rằm tháng Bảy tới.
Gần tới ngày rằm tháng Bảy, trong chùa rộn rịp chư thiện tín lui tới tấp nập. Hơn bao giờ hết, tôi cũng cảm thấy nao nao trong tâm tư hơn, dĩ nhiên là tôi vui vẻ vì tôi sắp được xuất gia, sắp được từ bỏ con người cũ để trở thành con người mới, một người đang tập sự đi vào con đường Chân Thiện Mỹ, và sự mong ước đã đến.
Sáng tinh sương ngày mười lăm tháng Bảy, Phật lịch 2529. Trên đỉnh Thiên Sơn, Ngôi Ngọc Ấn Tòng Lâm như có một sức sống tràn ngập cả núi đồi và một sức huyền diệu mênh mông khắp cỏ cây đồng nội. Nhiệm vụ của tôi hôm nay là thay bông trái và tắm Ðức Quan Âm lộ thiên. Từ dưới nhìn lên Ðức Quan Âm ngự trì trên núi Phổ Ðà Sơn giả, chiếc bàn con, lư nhang nhỏ, cặp chưng đèn, bình bông, đĩa quả vẫn ở vị trí cũ như ngày nào, nhưng lại có vẻ tươi thắm hơn.
Chiếc cầu nhỏ leo lên núi Phổ Ðà Sơn giả bắc ngang hồ sen, hôm nay như cũng có một sự thay đổi, tươi hẳn lên. Không biết có phải nhờ vào bông sen, bông súng dưới hồ thi nhau đua nở và đã điểm tô cho cảnh sắc hôm nay tươi đẹp? Hay hôm nay là ngày xuất gia của tôi mà cảnh vật chung quanh tôi tự nhiên vui tươi?
Bao sái trên đài Quán Âm Lộ Thiên, lâu lâu nhìn xuống dọc theo con suối thiên nhiên chảy dài từ trên núi uốn mình ra xa là con đường lát sỏi dẫn lên đỉnh Thiên Sơn, Ngọc Ấn Tòng Lâm. Trời lúc này chưa sáng hẳn, tuy vậy cũng có khách thập phương, nhóm năm, nhóm ba lũ lượt đi lễ chùa. Ðoàn người tiếp tục vượt đường đồi, xuyên qua rừng tùng, rừng trúc, đang còn tràn ngập sương mai, để tiến vào đại điện. Dáng người đi chập chùng trong sương, dưới ánh nắng ban mai tạo thành sự ẩn hiện trong đồi núi thành một bức tranh thủy mạc vô cùng ngoạn mục.
Xong nhiệm vụ, tôi trở về chánh điện để phụ giúp chú Trúc Tuệ lo sửa soạn trên điện Phật.
Và buổi lễ chính thức của ngày Đại Lễ Vu Lan 2529 đã bắt đầu. Ba hồi chuông trống bát nhã cung đón chư tăng đăng lâm chính điện. Sau phần giới thiệu thành phần tham dự, mở đầu buổi lễ là diễn văn khai mạc của đại đức Trị Sự kiêm trưởng ban tổ chức, kế đó là buổi thuyết pháp về ý nghĩa của ngày đại lễ Vu Lan do đại đức Giảng Sư đảm trách. Sau phần thuyết pháp là phần nghi lễ chính thức, và cuối cùng là thọ trai. Trong lúc chư phật tử gần xa đang vui vẻ dùng cơm chay thân mật tại giảng đường, thì trên điện Phật buổi lễ xuất gia của tôi cũng bắt đầu long trọng cử hành.
Trong lúc chư đại tăng niệm hương chứng minh dâng lên cúng Phật, quỳ trước điện Phật, mắt nhìn lên Ðức Từ Phụ, tôi cũng thì thầm khấn nguyện:
- Kính lạy thập phương Phật, Pháp, Tăng Bảo thùy từ gia hộ cho con, để con đủ nghị lực tiến tu trên đường đạo hạnh giải thoát, để con tròn ước nguyện tự cứu mình và độ đời, để tất cả cùng thành Phật đạo.
Sau phần niệm hương chứng minh là phần nghi lễ truyền trao tam quy ngũ giới. Nhìn lên Hòa Thượng trụ trì, thầy tuyên luật sư, thầy điễn lễ, sao thấy oai nghiêm chi lạ. Trong tôi nảy lên một niềm tôn kính vô biên. Chợt thanh âm hiền hòa nhưng nghiêm nghị của Hoà Thượng trụ trì mở đầu cho buổi lễ:
- Vân con, bây giờ đây, là giờ phút quan trọng để con lựa chọn. Con có thể từ bỏ cuộc sống thế tục, để noi theo chân chư Phật, chư tổ trên đường đạo hạnh, hoằng pháp lợi sanh hay không, tất cả đều do tâm ý của con quyết định. Vậy con phải có thái độ dứt khoát trước khi thầy cử hành lễ chính thức để truyền trao tam quy và năm giới xuất gia cho con.
- Kính bạch Hoà Thượng, kính bạch chư đại tăng. Cho tới giờ phút giây này, trong tâm tư của con lúc nào cũng cầu mong lên Hoà Thượng và chư đại tăng thùy từ thương xót hướng dẫn con trên đường về nẻo giác, đó là một tâm niệm duy nhất của con và mãi mãi không bao giờ thay đổi.
A Di Ðà Phật thật là quý hóa quá.
Sau phần Kệ Khai Luật Tạng, là lời khai đạo của Hoà Thượng trụ trì. Với giọng hiền hòa nghiêm nghị, Hòa Thượng trụ trì tiếp:
- Nầy chư thiện nam tín nử! Quý vị hãy lắng nghe cho kỹ: Bể khổ không bờ, nếu không có thuyền từ Bát Nhã thì không vượt lên bờ giải thoát được. Người muốn chứng Vô Thượng Bồ Ðề, cần phải lãnh thọ giới Pháp. Tất cả muôn công đức lành đều lấy giới làm nền tảng. Không những chư Phật nhân giới đây mà thành bậc Chánh giác, Ðại Thừa, Tiểu Thừa cũng đều phải giữ giới Pháp. Tại gia xuất gia cũng đều thọ giới. Giới như chiếc thuyền bè đưa người qua bể khổ, giới như mặt đất bằng muôn vật đều từ đấy mà phát sanh, giới như ngọn đèn sáng chiếu phá tất cả các chỗ tối tăm, giới là con đường tắt đưa đến cỏi Nhân Thiên, là cửa ngõ vào cảnh Niết Bàn. Cho nên trong Kinh có nói: Nếu có chúng sanh nào muốn dức trừ các khổ, hưởng sự vui vô thượng Niết Bàn thì phải thọ Tam Quy, trì Năm Giới, phát tâm xuất gia. Người nào làm được như vậy, thì ở đời vị lai sẽ chứng quả vị Bồ Ðề.
Sau phần khai đạo là Sám Hối trước khi quy y Tam Bảo, vẫn giọng nói hiền hòa, Hòa Thượng Trụ Trì dạy tiếp:
- Vừa rồi con đã sám hối, thân tâm được thanh tịnh, bây giờ đây là giây phút quy y Tam Bảo. Trước khi quy y con cần phải biết rõ Quy Y là gì con hãy lắng nghe cho kỹ ý nghĩa của Tam Bảo.
- Mô Phật.
- Quy Y nói cho đủ là Quy Y Tam Bảo. Chữ Quy có nghĩa là quay trở về, trở về nương tựa với Phật Pháp Tăng. Nương tựa với Phật là một đấng từ bi bình đẳng. Nương với Pháp là một phương pháp giải khổ. Nương tựa với Tăng là bậc đại trí hoằng Pháp Lợi sanh.
Ðịnh nghĩa về Tam Bảo xong, Ngài giảng tiếp:
- Thế nào gọi là Phật? chữ Phật tiếng Anh gọi là Buddha, Tàu dịch là Phật Ðà, nói tắt là Phật, dịch nghĩa là Giác Giả, là một đấng đã giác ngộ hoàn toàn, toàn năng, toàn trí, toàn Ðức. Phật là ông cha lành của chúng sanh, vị đạo sư của mười phương thế giới. Phật là một bảo hiệu chung cho tất cả những bậc tu hành đã giác ngộ. Bây giờ thì con đã hiểu rõ cái ý nghĩa Phật rồi. Con phải cố gắng mà ghi nhớ.
- Mô Phật.
Chờ cho tiếng chuông ngân nga trong bảo điện chấm dứt, ngài chậm rãi giảng tiếp.
- Pháp có nghĩa là muôn Pháp, chính là những lời Ðức Phật dạy. Ðơn cử một vài Pháp như: Quán Sát Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Ðạo, v.v... Nếu tất cả mọi người ai cũng y theo giáo Pháp mà tu hành, thì quyết định sẽ thoát ly sinh tử, chứng thành quả Phật. Cho nên trong kinh có nói rằng: Pháp là mẹ sinh ra chư Phật. Giờ đây con đã hiểu rõ chữ Pháp, con phải gắng mà ghi nhớ.
- Mô Phật.
Vẫn giọng nói hiền hòa nghiêm nghị, ngài giảng tiếp:
- Chữ Tăng, nói cho đủ là Tăng Già, nghĩa là một quần chúng hòa hợp không chống trái nhau, như nước với sữa. Tăng là người đứng trung gian giữa Phật và chúng sanh, thực hành những Pháp của Phật dạy và thay Phật diễn nói Pháp cho chúng sanh. Hay nói một cách khác, Tăng là cái tên gọi chung cho những đệ tử của Phật. Từ bốn vị Tỳ Kheo trở lên mới được gọi là Ðại Tăng. Con đã nghe và hiểu sơ lược ý nghĩa của Tam Bảo rồi, vậy con hãy cố gắng nhớ quy y và lãnh thọ.
- Mô Phật.
- Ý nghĩa Tam Bảo thầy đã giảng rồi, bây giờ là phần lãnh thọ. Con hãy nghe thầy Ðiển Lể xướng thế nào thì lập lại thế ấy.
- Mô Phật.
Âm điệu oai hùng của thầy Ðiển Lễ vang vọng trong Bảo Ðiện:
- Ðệ tử tên... Xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp , quy y Tăng.
Tôi lập lại lời thầy Ðiển Lễ và xá ba xá.
Chờ cho tôi lập lại xong, thầy Ðiển Lễ xướng tiếp:
- Ðệ tử chúng con, quy y Phật rồi khỏi đọa vào địa ngục, quy y Pháp rồi khỏi đọa vào ngã quỷ, quy y Tăng rồi khỏi đọa vào bàng sanh.
Chờ tôi lập lại ba lần, thầy Ðiển Lễ xướng tiếp:
- Chí tâm đảnh lễ Công Ðức Lâm Bồ tát ma ha tát.
Sau khi tôi đảnh lễ xong, quỳ lại vị trí cũ, Hòa Thượng trụ trì chứng minh giảng tiếp. Con đã nghe ý nghĩa và Quy Y Tam Bảo rồi, giờ đây thầy lại truyền cho con lời dạy về ba phép quy y không tướng:
- Con đã quy y Phật tức là con đã quay trở về cái giác tánh của chính mình, là phép tôn quý gồm đủ cả hai công đức: (Quy y Giác, Lưỡng Túc Tôn). Con quy y Pháp là quay trở về cái pháp tánh của chính mình, là phép tôn quý lìa bỏ các điều tà dục. (Quy y Chánh, Ly Dục Tôn). Quy y Tăng là quay trở về bản thể thanh tịnh của chính mình, là phép tôn quý nhất trong các hạnh. (Quy y Tịnh, Chúng Trung Tôn). Vậy từ nay trở đi, con hãy xưng Giác (Bổn tánh giác ngộ) là thầy, chẳng nên quy y tà ma ngoại đạo. Hãy lấy ba phép báu của chính mình mà thường tự chứng tỏ các công đức của mình. Con nay đã quy y với ba Pháp Bảo của tánh mình là: Phật nghĩa là Giác, tánh giác ngộ. Pháp nghĩa là Chánh. tánh chân chánh. Tăng là Tịnh, tánh thanh tịnh.
Như vậy trở về với tánh giác của chính mình thì tà mê chẳng sanh, ít có sự ham muốn quá độ, thường biết đủ trong công việc làm của mình, xa lìa được cả tiền tài danh vọng. Quy y với tánh chánh, thì tâm niệm không tà kiến, nên không có tham ái, cống cao, chấp trước. Quay trở về với tánh thanh tịnh thì tất cả các cảnh giới trần lao, ái dục, tâm mình chẳng nhiễm chẳng vương.
Tu các hạnh này, là quay trở về bổn tánh của mình. Hôm nay thầy giảng rõ ràng cho con, vậy từ nay trở đi, trong con phải điều hòa tâm tính, ngoài phải kính nể mọi người. Ðược như vậy là con đã quy y với Tam Bảo. Quy y với Tam Bảo là quay trở về với chính mình vậy.
Trước kia khi nghe nói đến tam quy: Quy y Phật, quy y Tăng thì tôi hiểu ngay là đấng đã giác ngộ hoàn toàn đó là Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Pháp tức là những lời nói phương pháp tu tập do Phật nói ra. Quy y Tăng là những bậc đạo cao đức trọng, là hình ảnh tăng già đại diện cho Ðức Phật. Nhưng nay thì lại khác, nghĩa là sau khi nghe Hòa Thượng trụ trì giảng về ý nghĩa sâu xa của lý quy y, tôi cảm thấy chân trời Phật Pháp quả thật vô biên. Bây giờ giác tánh của mình với Phật cũng như tất cả chúng sanh vạn loại hữu tình không sai khác, chỉ vì mê muội mà ta lại lãng quên đi cái tánh giác cao quý của chính mình. Nghĩ vậy tôi vô cùng cảm động, thương chư Phật vì đời nên thường tận tụy cứu độ chúng sanh.
Chư đại tăng có lẽ đã hiểu được hiện giờ hiện giờ tôi đang nghĩ gì, nên các ngài lẳng lặng chờ đợi. Sau khi tôi đảnh lễ Tam Bảo xong, thầy Tuyên luật sư mới bắt đầu giảng về đại ý sơ lược của năm giới xuất gia. Một lần nữa trong tâm tư tôi lại khởi lên nhiều ý nghĩ:
- Từ năm giới cho những cư sĩ tại gia cho đến mười giới cho những bậc xuất gia, quả thật là khuôn vàng thước ngọc. Nếu tất cả mọi người cùng sống y theo lời Phật dạy, thì chắc chắn thế giới đâu đâu cũng sống một cuộc sống hòa bình an lạc.
Sau khi lãnh thụ năm giới xuất gia rồi, Hòa Thượng trụ trì tiếp tục điều khiển buổi lễ:
- Con đã nghe ý nghĩa và đã lãnh thọ ba quy y tánh, tướng và năm giới xuất gia rồi, vậy từ nay trở đi con là đệ tử Phật. Pháp danh của con là Trúc Pháp, con phải ghi nhớ.
Tôi sung sướng chắp tay cúi đầu và xá:
- Mô Phật.
Giờ đây thầy nói cho con rõ về nguồn gốc tông phái mình:
Nguồn gốc tông Lâm Tế bắt nguồn từ Trung Hoa, sau đó dòng Thiền này được ngài Minh Hoàng và ngài Nguyên Thiều truyền sang Việt Nam, về sau đệ tử thầy Minh Hoàng lập ra Thiền Liễu Quán. Hầu hết những vị danh tăng trụ trì Viện chủ của các ngôi Tổ Ðình như: Tổ Ðình Thiên Mụ (Huế), Tổ Ðình Thập Tháp (Bình Ðịnh), Tổ Ðình Hà Trung ( Phú Lộc Thừa Thiên ), Tổ Ðình Quốc An (Huế), Tổ Ðình Từ Ðàm (Huế), Tổ Ðình Chúc Thánh (Quảng Nam), Tổ Ðình Bảo Quốc (Nay là Phật Học Ðường Bảo Quốc), Tổ Ðình Thuyền Lâm (Huế), Tổ Ðình Thuyền Tôn (Huế),. Các Ngài nối tiếp trụ trì, trùng tu những ngôi Tổ Ðình như trên đã nói, và đạo hiệu của các ngài đều bắt đầu bằng dòng kệ:
- Minh thiệt Pháp toàn chương
Ấn chơn như thị đồng
Trúc* thánh thọ thiên cửu
Kỳ Quốc tô địa trường.
Ðắc Chánh luật vi tuyên
Tổ Ðạo giải hạnh thông
Giác Hoa Bồ Ðề Thọ
Sung mãn nhơn trung thiên.
Ngài Minh Hoằng là đời thứ ba mươi bốn giòng Lâm Tế tại Trung Hoa. Ngài Nguyên Thiều đứng vào đời ba mươi ba thuộc giòng Lâm Tế tại Trung Hoa. Tuy nhiên cả hai ngài là sư tổ của giòng Thiền Lâm Tế tại Việt Nam. Tổ khai sơn bắt đầu bằng chữ Minh, chữ Minh truyền xuống chữ Thiệt từ đó cứ truyền mãi cho đến đời thầy là chữ Ðồng, do vậy thầy truyền cho con chữ Trúc. Bây giờ thì con rõ chữ Trúc là tên của dòng Lâm Tế và Pháp là cái tên của con?
- Mô Phật.
Buổi lễ kết thúc trong bầu không khí nghiêm tịnh. Tên Vân trần tục của tôi giờ đây không còn nữa mà được thay thế bằng Trúc Pháp. Cái tên Trúc Pháp giải thoát đó như có một cái gì cao quý. Tôi đã trở thành con người mới thật sự. Tôi vui mừng bởi vì giờ đây con đường Chân Thiện Mỹ dẫn tôi đến hướng giải thoát sẽ không còn xa vời đối với tôi nữa. Bây giờ tôi không còn thắc mắc nữa. Thắc mắc bởi lẽ có khi cùng một thầy có lúc lại cho học trò chữ Diệu, có lúc cho chữ Minh, có lúc cho chữ Quảng, cho loạn cào cào giống như người không có tông, cây không có gốc. Còn bây giờ tôi đã biết cây có cội nước có nguồn, con người ở thế gian có tổ tông gia phả, trong đạo giáo có tổ truyền. Hơn bao giờ hết tôi mới thấy giáo Pháp của Ðức Phật quả thật cao sâu vi diệu. Nó không phải như những người đời thường ngộ nhận. Ngộ nhận cho rằng Phật giáo là đạo bi quan yếm thế, là đạo cho ông già bà cả chẳng hạn như bài ca có tính cách chế diễu:
- Sở dĩ bần tăng đi tu đấy là vì ba mươi năm sương gió Cõi trần ai còn lở dở mộng công hầu.
Ðiều nầy cũng có một số người cố tình xuyên tạc Phật Giáo họ cho rằng giới xuất gia đi tu là vì trên đường hoạn lộ không thông, gặp phải những bất đắc chí trong cuộc đời. Hoặc chán đời vì thất tình lục dục mới vào nương náo nơi cửa Thiền để quên đi cái tháng thảm năm sầu, và như vậy thì Ðạo Phật là cái thứ đạo cho những người bệnh hoạn. Nhưng nếu hiểu như thế thì chứng tỏ chưa hiểu gì về Ðạo Phật và như thế theo tôi nghĩ cần phải đánh giá lại sự hiểu biết đó trăm ngàn lần mới được. Kinh nghiệm chính bản thân tôi cho thấy, chỉ có Phật Pháp mới có đủ khả năng làm cho cuộc sống buồn thảm chính tôi hồi sinh. Chỉ có Phật Pháp mới có đủ tư cách làm cho tâm hồn tôi cởi mở nhiều hơn. Quá khứ vàng son của tôi đã qua rồi, đã chôn vùi trong khói lửa chiến tranh, trong trận chiến được kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tương lai thì chưa tới, và hiện tại thời gian luôn luôn liên tục trôi chảy. Buồn thảm lo âu cũng chẳng giải quyết được gì. Ðiều quan trọng là phải làm gì cho cuộc sống hiện tại có ý nghĩa. Ðức Phật đã dạy như thế. Phật Pháp vi diệu như thế, tôi không còn ngạc nhiên khi nghe:
Phật Pháp cao sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy chuyên trì niệm
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Vanhocphatgiao.org
Vanhocphatgiao.org
Các tin đã đăng: