Tờ tiền giả
Vợ tôi thấy sự lạ lùng đó chạy vội vào đấm lưng cho tôi. Nước mắt chảy ra hai bên không phải vì xúc động, đó là phản xạ khi nước dồn lại ở cổ họng và đẩy mắt lồi ra. Chẳng biết nói thêm gì cả. Tôi lặng lẽ bỏ màn. Cứ nằm thế chứ ngủ thế nào được.
Và cho đến khi chú gà cất tiếng gáy, tôi mới biết mình đã đi qua một đêm trong đôi mắt dán lên chiếc màn muỗi. Tất cả, chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của tôi là những lỗ nhỏ li ti, chằng chịt, mờ mịt của chiếc màn. Nó ngăn muỗi hay nó bủa vây lấy chính tôi? Tôi thấy mình ngột ngạt ngay trong chính ngôi nhà khang trang mà bấy lâu nay tôi thường thư thái sau mỗi ngày làm việc. Sáng, vợ lấy xe ra chợ dọn hàng. Tôi ở nhà không đến sở làm như mọi lúc.
Chiếc điện thoại báo cuộc gọi và tin nhắn liên hồi. Tôi biết đó là đồng nghiệp. Họ trao đổi công việc, hỏi chuyện vắng mặt không lý do. Và cả chuyện sức khỏe của tôi. Đồng nghiệp mà, họ chăm bẳm nhiều lắm. Cấp trên hỏi han vỗ về, cấp dưới thừa cơ quan tâm, an ủi. Chuyện rõ thường ngày nhưng hay quên. Đôi lúc tần suất lặp lại quá nhiều đâm tưởng đó là tình cảm. Tôi ốm thật! Chỉ một chuyện tưởng chừng như bé nhỏ nhưng nó khiến tôi vỡ người. Từ đầu đến chân ê ẩm. Tâm trạng này, sức khỏe ấy. Cơ bản nhất là tôi thấy buồn. Không ngờ sự thể nó đắt đỏ như thế. Chẳng ai đem tiền đi mua cơn buồn cả.
Chuyện xảy ra đã chừng năm năm. Công việc buôn bán của gia đình tôi ở chợ cũng như bây giờ. Cũng không giàu mà chẳng nghèo, đồng tiền lãi chỉ đủ nuôi hai đứa con ăn học. Con tôi học giỏi nhưng trái tính. Bố mẹ nói gì dạ dạ rồi bỏ mặc, cứ ý nó đúng là nó làm. Tôi chậc lưỡi, thôi đó là cá tính con người. Vậy mà huỵt cái thằng đầu ngang bướng bậc nhất gọt tóc đi tu. Tôi sững người, gia đình dòng tộc tôi chỉ có một đứa con trai là nó. Đi tu, nó chơi trò diệt chủng và trả thù tôi chắc. Tôi đã làm đủ mọi cách nhưng nó chẳng chịu về. Tôi coi chuyện đi tu như cái chết. Và đối với con trai như nó thì chết đến mười lần vì cái tội lỗi đối với tổ tiên. Vậy mà nó lại bảo, con đi tu để chuộc lỗi cho những việc không phải mà bố đã làm. Nghe tức cười đến tởn. Tôi dằn mặt nhìn nó, kệ thây mày biến vô chùa mà ở. Chiều hôm đó nó đi thật. Tôi nhớ, nó bước đi nhẹ nhàng còn tôi thì nặng lòng đứng nhìn nó. Tôi chỉ sử dụng một trăm ngàn tiền giả mà nó kết tôi như tội đồ. Mà một trăm ngàn tiền giả đó có phải tự tôi tạo ra đâu. Họ mua hàng hóa của tôi cả đấy. Tôi vứt đi như lời nó thì ai đền phí cho mình? Cái đứa này là đạo đức giả hết.
Tờ tiền giả, tôi cầm nó trên tay. Đời thật giả giống nhau thế. Bây giờ người ta thích hoa giả mà giống hoa thật và cũng khối người mê hoa thật mà nhìn trông như hoa giả! Đời giả dối! Sau một lúc tức giận và tiếc nuối, tôi cảm thấy thú vị khi chơi trò tiêu tiền giả. Vợ tôi cảnh báo rằng, nếu tôi dùng tờ tiền giả cô ta sẽ tố. Mặc nó, bỏ tờ tiền vào túi, tôi dắt xe ra đi. Đầu cửa nhà tôi có một bà già. Người này mà phân biệt được thật giả mới là chuyện lạ thế kỷ hai mốt. Đúng như thế, tôi đưa cho bà lão một trăm ngàn sau đó nhận lại tám mươi ngàn với một gói Vina. Tôi hí hửng đi, kiểu như con mèo trong hoạt hình đi rình con chuột. Đoạn bà lão gọi, tôi thót tim quay lại mặt bừng bừng xấu hổ. Giờ đây cãi nhau để bảo toàn danh dự hay nhận lỗi để lủi thủi ra về như một con mèo thua cuộc? Tôi không biết, cứ lặng im coi bà lão nói chi.
- Chú Thanh...
Đôi mắt bà lão giướng lên, tôi bắt đầu sợ hãi. Sự thể mà lộ ra là cả khu phố biết. Tôi là cán bộ cấp tỉnh, chuyện đến nước này tôi buộc phải cãi lại.
- Chuyện chi?
Tôi đã phải nói cộc lốc, nghiêm giọng, vờ vịt để đe dọa một người yếu hơn mình rất nhiều. Bà lão cười, lấy lại gói thuốc, lấy lại tiền và đưa tôi một trăm ngàn tiền giả của tôi. Quái quỷ, cách xử lý lặng lẽ như thế vốn chẳng hợp với tính cách con buôn. Bà ta lại cười.
- Tôi xin lỗi! Vợ chú dặn rồi...
Chưa thấy con đàn bà nào ngu ngốc như vợ mình. Tôi nghĩ. Chuyện chồng thụt túi một trăm ngàn tiền giả cũng có thể nói với người hàng quán. Đúng là quá ngu ngốc, việc này phải đe, cứ để như thế này là đảo lộn hết gia phong chứ chẳng chơi.
- Vợ chú dặn rồi chú Thanh à, chú bị huyết áp, lại ảnh hưởng tim tôi không được phép bán thuốc cho chú.
Tôi thở nhẹ nhàng hơn và mỉm cười đút tiền vào túi. Cũng may chứ lừa bà lão chỉ tội thân bà. Bán hàng quán lẻ ngày được mấy đồng. Nhưng chẳng lẽ lại đi làm cái việc thiệt cho mình là xé tờ một trăm ngàn tiền giả đi. Tôi chẳng ngốc đến thế, phải “thư” con mẹ hàng bún. Con này trẻ, lắm tiền, hạch sách khách hàng. Có thế nghĩ chẳng ra nữa. Nhưng “thư” con mẹ hàng bún nó mà phát hiện ra càng rách việc. Nó chửi cho ngay giữa phố thì có mà một triệu cũng không đủ tiền mua mo che mặt. Thôi bỏ ý định này, đi ăn bún hến. Món này vừa rẻ vừa ngon nên đông khách, dễ lừa. Tôi ăn liền tù tì hai tô bún hến và tôi nhận lại tám mươi ngàn tiền thật từ tay người bán bún. Nhưng tôi lại trù trừ.
- À quên, tôi nói. Chị đưa lại tờ trăm ngàn cho tôi, tôi có hai mươi ngàn đồng tiền lẻ đây, để tiền đó mà thối lại cho khách.
- Chú tâm lý quá! Ai đời gặp chú thơm như bông bưởi.
Tôi cười rồi phóng xe đi. Không thể làm như thế được, họ bán tô bún lãi được mấy đâu mình làm thế cũng chẳng bằng thằng đưa cho mình trăm ngàn tiền giả. Tôi đặt một trăm ngàn vào bóp, để nó ở ngăn riêng cho khỏi nhầm.
Tôi có một đêm đầy kỷ niệm với tờ tiền đó. Tôi cầm nó ngắm nghía, vợ tôi cười đến chảy nước mắt. Nó bảo tôi kỳ quặc rồi lăn ra cười rũ.
- Thật ra, lương tâm con người mới đắt. Anh đừng để lương tâm của mình “rụng hết răng”… nói xong nó ôm cái gối cười giả lả, tôi giận.
- Em bảo anh vứt một trăm ngàn này ư? Không bao giờ, chúng ta không đáng để nhận sự lừa gạt đó.
- Vậy ai xứng đáng?
- Anh không biết nhưng chắc chắn không phải chúng ta.
Tôi lấy chiếc kim từ hộp chỉ, làm một cách kỳ công là hơ chiếc kim lên đèn cầy cho đỏ ong rồi xuyên qua tờ trăm ngàn đó. Vợ tôi thấy thế lại cười. Tôi tỏ ra thú vị hơn với trò này. Ngày ngày tôi càng hứng thú hơn với những chiêu trò mà tôi có thể nghĩ ra. Để coi, đồng tiền này sẽ đi đâu? Biết đâu tôi lại gặp nó ở đâu đấy và ngồi trông cảm giác của người nhận nó.
Tờ tiền giả đã thực sự rời khỏi túi quần tôi trong một buổi sáng về thăm quê nội. Tôi ghé xe bơm xăng, nhẹ nhàng đổ xăng vào bình và tiền tôi trao tay nhân viên bán hàng. Anh ta nhìn tôi cười, tôi hơi dợn nhưng không phải vấn đề từ tờ tiền giả. Anh ta nói.
- Trông chú giống bố cháu dữ.
- Thế à.
- Haiz...
- Sao cậu lại thở dài?
- Dạ không có chi. Bố cháu mất lâu rồi, chết trẻ chú ạ. Giá mà có ông bố để thương.
Không mấy máu me với mấy câu nói rất cải lương của chàng trai trẻ, tôi cho xe lăn bánh. Đường về quê sáng hôm ấy trời nắng vàng đẹp đến lạ. Nhất là đi ngang đồng lúa rồi khi ra tới biển. Biển cát trắng mịn màng, tôi có một ngày nghỉ tuyệt vời đến thế bên gia đình, bên những người thân. Tờ tiền giả từ hôm đó ra khỏi túi quần tôi nhưng nó mắc lại trong đầu mình, tôi nhớ số sê-ri của nó, nhớ cái lỗ tôi dùng kim chui qua và tự tưởng tượng ra khuôn mặt của những người kế tiếp nhận nó. Chẳng sao cả, không ai dùng nó để ăn, họ chỉ dùng để trao đổi. Và cứ luân phiên nhau lọc lừa đến cùng cũng chỉ có một người thiệt hại thôi. Đôi lúc không, nếu họ khéo léo như mình.
Tôi nhận bức thư con gái, bức thư ngắn ngủi có mấy dòng nó gửi qua email cho tôi. “Ba thân yêu! Hôm nay con thực sự buồn ba ạ! Con không nghĩ là con đã mất mát khá nhiều về niềm tin chứ không phải về vật chất, vì nó chỉ là một trăm ngàn thôi. Người đưa một trăm ngàn tiền giả cho con là khách hàng trong quán giải khát sinh viên của chúng con. Ông ấy đáng tuổi cha chú rồi”, tôi lặng im chờ đợi hình ảnh đính kèm được tải xuống. Tờ trăm ngàn tiền giả với số sê-ri mà tôi thuộc nằm lòng với lỗ thủng ở góc bên phải. Tôi xóa thư, xóa hình ảnh và muốn xóa luôn trí nhớ của mình về nó.
Chiều, rất muộn nhưng tôi cuốc bộ lên chùa. Ngôi chùa lặng lẽ nằm cạnh con sông của thành phố. Từ rất xa, con trai của tôi nhẹ nhàng quét lá bồ-đề. Khi nhìn thấy tôi, nó mỉm cười, điệu cười an nhiên. Tôi đáp lại nhưng không đến gần con...Truyện ngắn Hoàng Hải Lâm(GNO)