Minh Đức. 23:31:18 18-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1086.
Kích cỡ chữ:
Một Đứa Con Bằng Vàng
Vào thập niên hai mươi, cha tôi đã rời quê nhà đến Sơn Đông để lập nghiệp, khi ấy cha chỉ là một thanh niên chưa quá đôi mươi. Sau năm 1949, cha định cư ở Pusan, Nam Triều Tiên.
Cha tôi đã từng làm việc như một người tập sự trong một hãng buôn ở Thượng Hải, vì vậy cha lại tiếp tục công việc này ở Triều Tiên. Đặc biệt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, sự buôn bán trở nên phát đạt.
Những tấm ảnh cha chụp hồi đó đã cho tôi thấy hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ trên chiếc máy bay, hoặc trên chiếc xe jeep trong những cuộc hành trình đến những nơi như Hồng Kông và Nhật. Món đồ chơi đầu tiên tôi có là những cây viết Parker mà cha sưu tập.
Khi tôi lên một, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh bại liệt và cha muốn tôi có được một sự chạy chữa tốt nhất. Những người láng giềng của chúng tôi ở Pusan đều sững sờ khi biết cha tôi đã tốn kém bao nhiêu cho tôi, thậm chí nhiều năm sau đó họ đã gọi tôi là "đứa con bằng vàng". Cũng chính những người này đã bàng hoàng khi thấy sản nghiệp của cha tôi bỗng chốc tiêu tan.
Không lâu sau khi bệnh của tôi được chẩn đoán, một người họ hàng xa đã chiếm được lòng tin của cha tôi khi ông ta tìm cho tôi vài bác sĩ. Lúc đó ông ta giới thiệu vài người với cha và họ thuyết phục cha đầu tư vào một khách sạn du lịch mới ở Pusan.Thế nhưng, trước khi toà cao ốc tám tầng hoàn tất cha tôi đã phát hiện ra mình đã là con mồi trong một vụ lừa đảo xấu xa. Số tiền cha tôi đầu tư đã bị cuỗm mất, những kẻ có trách nhiệm cũng biến theo. Việc xây dựng khách sạn bị đình lại, cha tôi phải bán gần hết thảy các bất động sản để cứu vãn tình thế.
Tôi nhớ mãi cái ngày nhìn thấy cha phải đi ra ngoài trong một buổi chiều mưa để bán cái điện thoại. Lúc đó cha đã vào tuổi 50.
Cùng với việc kinh doanh bị phá sản, cha không còn lãnh đạo hội đồng nhân dân Trung Quốc ở địa phương nữa. Điều an ủi duy nhất là ông đã xoay sở giữ được ngôi nhà cho gia đình.
May thay, nhờ có tài nghệ thư pháp và tinh thông về bàn tính, cha đã có thể chu cấp cho chúng tôi.
Cha tôi rời Pusan và bắt đầu làm việc kế toán tại một vài thành phố khác ở Triều Tiên. Nhiều năm sau đó, mẹ tôi qua đời, cha trở lại Pusan nhận công việc đi thu phí hội viên từ những tiểu thương trong vùng cho Hiệp Hội Cư Dân người Trung Quốc.
Để thu những món tiền nhỏ này, cha phải đi xe buýt và đi hết từ nhà này sang nhà khác. Điều in đậm mãi trong tôi là mặc cho cái bản chất hèn mọn của công việc, cha luôn đường hoàng trong cách phục sức. Không quan trọng đang mùa nào hay thời tiết thế nào, mỗi ngày cha đều mặc một bộ đồ tươm tất, ủi thẳng nếp, một chiếc áo sơ mi trắng như tuyết và một chiếc cà vạt chỉnh tề.
Ban đêm, tôi thấy cha mê mải ghi chép sổ sách trong ngày. Cha luôn luôn kết thúc bằng cách xem xét những tính toán của mình với một chiếc bàn tính. Những hạt con tính kêu lách cách khi cha đẩy chúng tới lui một cách mạnh mẽ. Khi hoàn tất, cha nói: "Đấy, chính xác từng xu cuối cùng"
Đó chính là cách mà cha đã xoay sở để duy trì những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình chúng tôi, mặc dù cũng có phần túng quẫn. Cha chỉ nhờ vào lương hàng tháng _ một số tiền nhỏ mọn không đủ trả cho một bữa tiệc với bạn bè trong thời hoàng kim của cha, và một khoản tiền không đáng kể mà cha kiếm được nhờ cho thuê phía ngoài căn nhà của chúng tôi.
Khi vào trung học, tôi dần dần trở nên bất mãn với cha tôi. Ngày nọ, có người bạn nói với tôi là cha cậu ấy đã phục hồi được sự giàu sang sau khi phải trải qua sự thất bại.
Câu chuyện của người bạn đã gieo trong tôi một nỗi hoài nghi. Tại sao cha tôi không thể trỗi dậy lần nữa sau lần thất bại của ông ở tuổi 50. Lẽ ra ở độ tuổi ấy, người ta đang ở đỉnh cao của tài năng.
Tôi bắt đầu nghĩ, thật vô nghĩa làm sao khi cha đã đi lòng vòng suốt ngày cho cái công việc thu tiền tầm thường, rồi đếm từng xu cuối cùng trên cái bàn tính mỗi đêm. Tôi nghi ngờ không biết có phải cha đã từng có nghị lực để lao vào kinh doanh lúc ban đầu không?
Tại sao một người như cha lại không thể dồn hết tài tháo vát của mình để phục hồi lại quá khứ vàng son kia? Làm sao cha lại có thể bằng lòng với cái công việc cân đối một đống tiền lẻ trong sổ sách của mình?
Tôi cũng không thể chịu đựng được những lời khuyên lặt vặt của cha. Lo lắng rằng tôi sẽ không thể kiếm được một chỗ làm tốt cho chính mình trong xã hội, cha luôn nhắc nhở tôi phải cẩn trọng.
Cái nhìn thời cuộc đầy bi quan của cha ắt là do việc thất bại trong kinh doanh, đã gây nên trong tôi sự coi thường. Sau hai trận khẩu chiến, chúng tôi rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh.
Khi đó, đã 18 tuổi, tôi chuyển đến Đài Loan để học đại học. Chỉ đến khi nhiều năm đã trôi đi, sau khi có quá nhiều hành động ngu ngốc và bất hiếu từ phía tôi, tôi cũng còn đủ may mắn để kịp củng cố lại tình cha con giữa chúng tôi. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra cha luôn ngóng chờ tôi trở về. Thế mà ngay khi đó tôi vẫn không sẵn sàng cho một cuộc hòa giải.
Mặc dù sống ở những nơi khác nhau, chúng tôi vẫn thường viết thư cho nhau mỗi khi có thể. Như mọi khi, cha không nói nhiều. Nhiều lần có dịp, tôi hỏi cha về cái âm mưu bất lương đã gây cho cha phải trả giá đắt bằng cả cơ nghiệp của mình. Tuy nhiên, cha chỉ cười và không nói gì. Vậy mà, tâm hồn chúng tôi dường như cảm thông lẫn nhau hơn.
Rồi một ngày, sau khi đọc một lá thư của tôi, cha đã qua đời lặng lẽ trong giấc ngủ trưa. Khi đó cha 79 tuổi.
Thế nhưng, không lâu sau đó, tôi bắt đầu thực sự hiểu được cha. Tôi đã vào 40 tuổi và đã trải qua nhiều thất bại nặng nề trong sự nghiệp của chính mình. Tôi đã tận tụy 8 năm trời cho một công ty, và mới đây buộc phải thoái nhiệm chức chủ tịch. Thoạt tiên tôi rất buồn nản.
Một ngày kia, sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, tôi ngồi xuống và nghĩ về cha. Tôi nhớ lại tôi đã coi thường cha khá lâu chỉ vì cha không thể đứng vững nữa sau khi gặp rủi ro.
Tôi bỗng thấy dường như cha đang đứng ngay trước mặt tôi, mỉm cười và choàng vai tôi. "Con trai của cha", tôi gần như nghe cha nói :"Thật là hay. Nào, hãy cho cha thấy con xử lý cú đòn này như thế nào. Con chỉ mới 40 tuổi thôi mà." Những lời nói ấy có lẽ chỉ là do tôi tưởng tượng ra để diễn tả tâm trạng của tôi vào giây phút ấy. Rồi thời gian trôi qua, tôi vượt ra khỏi sự suy sụp của mình và bắt đầu làm lại sự nghiệp. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu được cha sâu sắc hơn. Bây giờ tôi hiểu được vì sao cha tránh nói về việc làm thế nào mà quyền lực của cha đã tan thành tro bụi. Tôi cũng đã hiểu được vì sao, sau khi tích lũy được vô số tiền bạc, cha lại có thể bằng lòng với một cuộc sống khiêm tốn giản dị của một người đi thu lệ phí. Tôi cũng đã hiểu tại sao, ngay khi làm một công việc như vậy, cha vẫn cẩn thận chăm chút cái dáng vẻ bề ngoài.
Một người cung hiến tận tụy cho công việc của mình sẽ không cố lý giải hay biện minh cho những sai lầm của mình. Một người tận tâm với công việc sẽ luôn luôn tận tụy ngay cả trong công việc hèn mọn nhất. Một người tận tụy với công việc sẽ luôn luôn bước thẳng và ngẩng cao đầu, trong cả khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Thành công hay thất bại chỉ là khí vận.
Một ngày nọ, tôi đang đi trên taxi với một người lái xe có con gái mắc bệnh bại liệt năm 1964, bị bệnh sau tôi vài năm. "Mới đầu tôi nghĩ chỉ là cảm cúm xoàng" người lái xe nói với tôi. "Sau đó, tôi mới thấy cháu không thể đứng được, và không có phản xạ khi tôi gõ vào đầu gối cháu. Tôi nghĩ , Thế là hết. Đó là bệnh bại liệt"
Lắng nghe ông ta nói, tôi có thể mường tượng những gì ông sẽ nói tiếp sau đó: Rồi con tôi sẽ ra sao trong những ngày tháng tiếp theo của cuộc đời nó? Thay vì vậy, ông ta nói: "Tôi nghĩ, chúng tôi đã phải sống trong điều kiện khó khăn để thu vén cho khỏi túng thiếu"
Khi người lái xe nói về việc ông đã nợ nần như thế nào trong nhiều năm trời, tôi nghĩ đến cha tôi. Lúc bệnh bại liệt của tôi bộc phát, cha có thể không nghĩ đến việc tiêu tốn bao nhiêu cho tôi vì cha đang giàu có. Nhưng_một cách gián tiếp, vì tôi, cha đã sạt nghiệp.
Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, trong từng khớp xương,từng đốt sống vặn vẹo biến dạng của tôi là cả một tình yêu và nỗi lo lắng của cha. Tôi thật sự là một đứa con mà cha tạo nên bằng vàng.
Nước mắt lăn dài trên má, tôi phải gắng lắm mới không òa khóc trên xe.
ST
ST
Các tin đã đăng: