110 639
Minh Đức. 23:06:28 18-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1090.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Im lặng để yêu thương

Im lặng để yêu thươngĐôi khi im lặng lại là môt món quà kì diệu dành tặng cho những ai biết sống tĩnh thức trong giây phút hiện tại nhiệm màu. Ta nên học cách lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai biết sống hướng thượng, hướng nội, nhận thức rõ đời sống là vô thường, biến đổi trong từng giây từng phút, tập buông bỏ ngạo mạn, phát triển lòng từ bi. Bởi vì ….
Ta im lặng không có nghĩa là ta không quan tâm nữa, mà ta muốn nói với bạn rằng chúng ta hãy lắng lòngnhìn kỹ hơn vấn đề, cân đo đong đếm những việc đã xảy ra có thật sự đáng để chúng ta hờn dỗi, nặng lời với nhau. 
Im lặng có nghĩa là ta đang thực tập thở và mỉm cười, sống với giây phút hiện tại chứ không diễn bày những quan điểm, lý luận bằng lời. 
Hãy im lặng nhiều thêm chút nữa để lắng nghe thấy sự yêu thương và để thấy mình được yêu thương… 
Sự im lặng là điều cần có trong cuộc sống. Trong tình bạn cũng vậy, nó cũng cần những khoảng lặng đủ dài để cùng chiêm nghiệm cùng suy nghẫm về những điều đã qua và những gì sắp tới. Nhưng khoảng lặng đủ dài đó là bao lâu? 
Trong khuôn khổ nội dung Pháp thoại chuyên đề kỳ 4 “Im lặng để yêu thương…!” đã diễn ra trong khoảng thời gian từ 17h30 – 21h30 ngày 08/12/2012 (Nhằm ngày 25/10 Nhâm Thìn) tại Nhà hàng Chay Hanoi Vegan do Hội Hạnh phúc tùy cách nhìn, Đoàn TNPT Trà An Lạc và Thái Hà Book cùng tổ chức với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Phụng Sơn (Hoa Kỳ) và Đại Đức Thích Hạnh Tuệ (TP.HCM) đã mang đến cho thành viên tham dự có cơ hội trở về với cuộc sống nội tâm, tìm thấy cho mình chân lý và giá trị sống trong đời sống hiện tại, đồng thời phát huy tình thương yêu cao đẹp để hiến tặng cho những ai đang cần đến với chúng ta. Từ đó để biết, để hiểu và để chia sẻ yêu thương nhiều hơn. Được biết đây là buổi chia sẻ pháp thoại thứ 6 trong chương trình hoạt động Phật sự tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lần này của Hoà Thượng Phụng Sơn và Đại Đức Hạnh Tuệ.
Mở đầu chương trình, thầy Thích Hạnh Tuệ hướng dẫn mọi người thực tập thiền thư giãn trong 10 phút. Sau đó thầy Hạnh Tuệ giảng cho mọi người hiểu được, chúng ta thật may mắn khi gặp được Phật pháp. Phật pháp như ngọn đèn sáng chiếu phá mọi sự tối tăm, mê lầm, là tấm gương soi rọi tâm hồn mỗi người, để mọi người hiểu rõ mình hơn, sống an vui hạnh phúc và bao dung hơn, sống có giá trị hơn.
Sau 49 ngày thiền định, tâm được tĩnh lặng hoàn toàn, Đức Phật chứng ngộ, thấu rõ nguyên nhân của khổ đau và phương pháp hoá giải mọi sự khổ đau đạt đến an vui hạnh phúc chân thật. Thiền làm tâm ta tĩnh lặng, phát sinh trí tuệ, khai phá tiềm năng lớn lao trong mỗi chúng ta, giúp chúng ta tìm về với chính mình, sống trọn vẹn với ông Phật trong mỗi chúng ta, sống một cuộc sống có ích đích thực. Im lặng hướng nội để hiểu rõ về mình hơn.
Sống với sự hiện hữu của ông Phật trong mỗi người là sống với lòng yêu thương bao la rộng lớn. Lòng yêu thương này đặt trên nền tảng của trí tuệ. Yêu thương là chất liệu vô cùng cần thiết làm cho cuộc sống mỗi người đạt được hạnh phúc diệu kỳ. Cuộc sống chúng ta cần yêu thương cũng như mỗi ngày chúng ta cần phải ăn vậy, nên một nhà thơ nào đó đã thốt lên.
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, 
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương…
Hàng ngày chúng ta đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghĩ, làm việc giao tiếp, vui chơi giải trí, thiền hành thể dục trong tĩnh thức thì chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị nhiệm màu của cuộc sống và tình yêu thương trong ta sẽ tràn ngập và bất tận. 
Tiếp đến là Hoà Thượng Phụng Sơn giảng giải rõ thêm, cụ thể hơn phương pháp thưc hành “phát triển hạnh phúc để yêu thương” trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của khoa học về thần kinh. Chúng ta muốn hạnh phúc, muốn yêu thương và được yêu thương nhưng chúng ta không biết làm sao để đạt được điều đó. 
Hoà Thương Phụng Sơn chỉ ra, khi khoa học đến với thiền, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kết quả cụ thể về sự thực hành này trong phạm vi y tế và giáo dục. Trên ba mươi năm qua, bác sĩ Herbert Benson qua chương trình nghiên cứu về sự thư giản thân và tâm mà ông ta gọi là The Relaxation Response đã cho biết khi thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở thì tâm thần lắng dịu, huyết áp giảm xuống, nhịp thở chậm lại, tim đập chậm, các bắp thịt thư giản từ đó nhiều bệnh tật cũng bớt đi. Theo sự nghiên cứu của Viện Thân và Tâm, thì có đến từ 60% đến 70% các bệnh tật là do tâm hay tinh thần sinh ra. Cuộc nghiên cứu trên cũng thấy rõ các trẻ em thực hành thiền giản dị thì học giỏi hơn, làm việc và phối hợp với các em khác tốt đẹp hơn.
Cách thiền theo bác sĩ Benson thì rất  dễ dàng theo một trong ba phương pháp sau đây: 
1. Ngồi thoải mái và niệm: trên ghế hay trên gối và nhắm mắt lại. Thư giản các bắp thịt từ dười chân, bắp chân, đùi, bụng, vai, cổ và đầu. Thở vào thở ra thoải mái và niệm một chữ hay một câu theo ý thích của mình lúc thở ra. Nếu có ý tưởng xuất hiện xen kẻ thì đừng quan tâm, ghi nhận và tiếp tục thiền.
2. Ngồi thở thoải mái và đếm số: Đếm 5 hay 10 số ở mỗi hơi thở ra. Ví dụ: Thở vào, thở ra và nói thầm “năm”, thở vào, thở ra nói thầm “bốn”, cho đến “một” và lập lại từ đầu. Thực hành từ 10 đến 15 phút là thấy thân và tâm êm dịu, thư giản. Nếu không có nhiều giờ, chỉ cần 5 phút thực hành cũng có kết quả tốt. 
3. Cử động lập đi lập lại: Có thể ứng dụng thiền, hay tạo ra trạng thái thân tâm, khi đi bộ, chạy bộ, vận động, chơi nhạc, hoặc bất cứ hoạt động nào lập đi lập lại các cử động như đan len, thái cực quyền, khí công, Yoga hay tụng đọc những lời cầu nguyện. 
Lời dạy của Đức Phật
Trong bài viết Buddha Lessons, bà Claudia kể lại bà Dalia Isicoff bị chứng viêm khớp dạng thứ hai, rheumatoid arthritis (dạng này ở các khớp ngón tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân, hông, xương sống và vai nhiều khi phải uống thuốc giảm đau và chống viêm). Bà Dalia chịu cơn đau thống khổ nơi các khớp, cột sống, xương chậu và phải uống thuốc chống đau nhức. Cho đến hôm bà đi tham dự một khóa thiền tại trung tâm chữa trị phối hợp đông tây, University of Maryland’s Center for Integrative Medecine, được chỉ dạy cho phương pháp thiền được gọi là Giảm Căng Thẳng Bằng Thực Hành Chánh Niệm, Mindfulness-Based Stress Reduction (MBRS), bà khám phá ra một chân lý kỳ diệu: thay vì chống chỏi với sự đau đớn thì chỉ nhận diện nó, tiếp xúc với nó, biết nó rõ ràng thì cơn đau sẽ dịu lại.
Điều này đức Phật đã nói rõ là phải tiếp xúc với những cảm giác sướng, khổ hay trung tính (không sướng không khổ), cảm nhận tính chất rõ ràng của mỗi thứ. Thực hành sự chú tâm thoải mái, thấy biết rõ ràng là thực hành chánh niệm (mindfulness) thì tâm dần dần trở nên trong sáng, linh động, bén nhạy, tỉnh thức, thấy biết rõ ràng đồng thời không bị cảm giác sướng (lạc thọ) hay khổ (khổ thọ) trói buộc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với cảm giác không sướng không khổ, còn gọi là xả thọ, thì tâm đi vào trạng thái vắng lặng nhanh chóng. Từ sự vắng lặng đó tâm mở rộng bao la. Trong không gian rộng lớn đó các nguồn năng lượng của sự thông minh, tình thương yêu trong sáng và niềm hạnh phúc bừng dậy.
Đức Phật đã nói rõ cách thực hành này cho đệ tử  trong kinh Tương Ưng Bộ như sau:
“Giống như giữa hư không,
Gió nhiều loại thổi lên,
Từ phương đông, phương tây,
Từ phương bắc, phương nam.
Gió có lạnh, có nóng 
Gió có bụi, không bụi,
Có gió lớn, gió nhỏ,
Gió nhiều loại thổ lên.
Cũng vậy trong thân này,
Khởi lên nhiều cảm thọ,
Lạc thọ và khổ thọ,
Bất khổ bất lạc thọ.
Khi Tỳ Kheo nhiệt tâm,
Tỉnh giác không sanh ý,
Do vậy, bậc hiền giả,
Liễu tri tất cả thọ.
Vị ấy liễu tri thọ 
Ngay hiện tại vô lậu,
Thân hoại, bậc Pháp trú,
Đại trí, vượt ước lường.”
Khi tiếp xúc thoải mái với các cảm giác, trong đó có cơn đau nhức, thì thấu rõ bản chất của chúng chỉ là thuần túy năng lượng, không để sự ưa ghét ràng buộc, thì giải thoát ra mọi sự khổ đau và tâm đi vào trạng thái thỉnh thức, trong sáng, bén nhạy, rộng lớn và an lạc như lời của thiền sư Hoàng Trí trong bài thơ:
“Sương và trăng
Sao và suối
Tuyết trên rặng tùng
Và mây lững lờ trên rặng núi
Từ tăm tối chúng đều trở thành rực rỡ
Từ u ám chúng đều biến thành ánh sáng sáng lạn.”
(Như Hạnh Dịch, Thiền Đạo Tu Tập)
Đó là cách mà bà Dalia Isicoff đã thực hành hàng ngày sau khi đã học thiền để làm cho các cơn đau nhức do chứng thấp khớp tạo ra dịu bớt xuống đồng thời chuyển hóa chúng và dùng cơn đau như một trợ duyên cho sự thực hành tốt hơn. Và sự thực hành Tứ Niệm Xứ này được áp dụng nhiều nơi để chữa trị rất nhiều loại bệnh tật từ thân tới tâm.
Đôi cánh Thiền mở rộng trong khoa học
Nhiều trường đai học y khoa và các trung tâm chữa trị các loại bệnh tật chú trọng đến khả năng đóng góp vào sự chữa trị bệnh tật của thiền. Nhiều chứng bịnh có gốc rễ nơi tâm mà bác sĩ Herbert Benson nói trên cho biết có từ 60% đến 70%, hay có thể nhiều hơn nữa, người đi đến phòng mạch bác sĩ xin khám bệnh là do tâm sinh ra.
Những trung tâm thực hành thiền để phát triển sức khỏe chỉ chú trọng cách thực hành thiền Trên 15,000 người đã ghi tên tham dự khóa thực hành thiền trong 8 tuần lễ dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Kabat-Zin. Rất đông người khác đã tham dự chương trình tương tự tại nhiều trung tâm y khoa trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ với chương trình tương tự.
Trong khi ngồi thiền 45 phút, các thiền sinh được hướng dẫn cách ngồi, thở, nhận biết các ý tưởng xuất hiện trong tâm, nhận biết tính chất mỗi cảm giác mà không để tâm chạy theo những ưa ghét. Nói khác đi: an trú trong chánh niệm và sống thoải mái trong hiện tại.
Các nhà khoa học  chọn lựa cách thực hành căn bản do đức Phật chỉ dạy là chú tâm thoải mái vào mỗi hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết các ý tưởng khi chúng xuất hiện và biến đi (đừng chạy theo chúng), các cảm giác sướng hay khổ mà không bị các phản ứng ưa hay ghét làm quên lảng hiện tại. Ngoài ra, khi đi, đứng, co tay, bước chân, mặc áo quần, nói tóm lại là mọi cử động chân tay cũng nhận biết rõ ràng qua sự chú tâm thoải mái hay chánh niệm. Đó là thực hành Tứ Niệm Xứ: Chú tâm thoải mái và thấy biết rõ ràng bốn lãnh vực là thân thể, cảm giác, tâm tư và đối tượng nhận thức. Và nhiều nơi, để tránh màu sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu hay hướng dẫn cũng không nhắc nhở gì đến người khai sáng lối thiền này: Đức Phật. Điều này chắc cũng làm đức Phật vui lòng vì đó là sự ứng dụng một đặc tính của thiền: Tính cách vô ngã của mọi thứ.
Thực hành nói trên không giới hạn trong ngồi thiền mà còn cả trong mọi hoạt động thường ngày. Đó là thiền hoạt động. Thực hành thiền tĩnh lặng hay thiền ngồi và thiền hoạt động đưa đến kết quả rất tốt đẹp trong việc chữa trị bệnh tật và đem lại hạnh phúc cho đời sống mỗi ngày. Đó là kết luận của các cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ và chuyên viên y khoa trong đó có bác sĩ Herbert Benson, người đã làm nhiều cuộc nghiên cứu trên thân thể các thiền sư Tây Tạng tại vùng Hy Mã Lạp Sơn và mới nhất tại Pháp khi các vị thầy Tây Tạng thực hành thiền Tam Muội Hỏa: Ngồi 8 giờ đồng hồ ngoài trời buốt giá với tấm vải quấn mong manh trong nhiệt độ làm nước đóng băng.
Lợi ích của việc thực hành lời dạy của đức Phật  là không thể diễn tả hết được.
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn