810 857
Admin. 03:50:31 07-03-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1111.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Hãy tự hỏi: Điều này có ý nghĩa gì với mình nhỉ

Hãy tự hỏi: Điều này có ý nghĩa gì với mình nhỉĐộng lực mạnh mẽ là bí quyết để học tập và sử dụng các kĩ năng ghi nhớ. Chúng ta học và ghi nhớ những điều quan trọng đối với sự tồn tại của chúng ta.

Động lực mạnh mẽ là bí quyết để học tập và sử dụng các kĩ năng ghi nhớ. Chúng ta học và ghi nhớ những điều quan trọng đối với sự tồn tại của chúng ta.

Trong những năm đầu đời, bạn luôn mong muốn tìm hiểu mọi đồ vật, khám phá cái mới, học kĩ năng mới. Bạn có sẵn trong mình động cơ để học tập. Sau này, trong quá trình học tập ở trường, một số người có thành tích học tập không tốt, bị đánh giá thấp. Dần dần, nỗi sợ hãi thất bại đã thay thế cho sự khát khao học tập ở họ.

Tuy nhiên nếu chống đối việc học, bạn sẽ không thể khôn lớn và khi điều đó xảy ra bạn đã tự hạn chế những thành tích mà bạn có thể đạt được trong cuộc sống. Bạn cần biến những suy nghĩ tiêu cực về khả năng của bạn thành những suy nghĩ tích cực, tự tin rằng bạn có thể học bất cứ điều gì bạn cần hay muốn.

Hãy nắm lấy động cơ đã thúc đẩy bạn khi bạn còn là một đứa trẻ và bạn sẽ kiểm soát được diễn biến xung quanh một cách chặt chẽ hơn, các hoạt động trong công việc và cuộc sống sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nhưng làm thế nào để có thể nắm bắt được cái động cơ từ hồi bé ấy? Điều gì sẽ khiến bạn trở nên hào hứng học tập? Câu trả lời là bạn phải đi tìm ý nghĩa của việc học đối với bạn, để từ đó có khát khao muốn học và coi đó là một nhu cầu thực sự.

Mọi việc bạn làm, cho dù trong công việc, học tập hay trong cuộc sống cá nhân, chắc hẳn đều hứa hẹn một số lợi ích nhất định, nếu không bạn sẽ không có động lực để thực hiện điều đó. Có hai loại động lực: động lực bên ngoài và động lực bên trong.

Khi bạn bị thúc đầy bởi động lực bên ngoài, sự khao khát học tập của bạn bị ảnh hưởng bởi một ai đó hay điều gì khác chứ không phải chính bạn. Động cơ bên ngoài rất hữu ích trong chốc lát nhưng lại không được bền lâu. Khi động cơ này mất đi, bạn sẽ trở lại trạng thái ban đầu.

Động lực bên trong xuất phát từ bản thân bạn; đó là một phần của bạn, khiến bản thân bạn cho rằng đây là một điều đáng làm, thú vị và mang lại nhiều niềm vui. Bạn làm bởi vì bạn muốn. Động cơ này chắc chắn sẽ gắn chặt với bạn, khiến bạn kiên trì, tự giác hoàn thành công việc đó.

Thế còn những việc bạn cần phải làm nhưng không thích? Làm sao bạn có thể thúc đẩy bản thân mình làm những việc đó mà không sử dụng động cơ bên ngoài vì động cơ này cuối cùng sẽ biến mất?

Hãy tự hỏi: “Điều này có ý nghĩa gì đối với mình nhỉ?” để có thể giúp bạn phát hiện ra động cơ bên trong. Bạn sẽ cần suy nghĩ thấu đáo để bỏ qua những yếu tố bên ngoài vì những yếu tố này thường dễ dàng tìm thấy. Chuyển động cơ bên ngoài thành động cơ bên trong có thể giúp bạn nhận ra điều mình nên làm nhưng đang bị trì hoãn.

Bạn không cần phải có động cơ đối với mọi việc làm. Bạn có thể lựa chọn điều gì quan trọng với bạn và tập trung vào điều đó.

Bạn có thể chuyển từ động cơ bên ngoài thành động cơ bên trong và thu được những kết quả có giá trị lâu dài. Hãy nhớ luôn tự hỏi: “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?” và bạn sẽ phát hiện ra một động cơ mạnh mẽ giúp bạn giải phóng trí tuệ và trí nhớ của mình.

Hoa Xuân (tóm lược)

Nguồn: Sách “Phương pháp tư duy siêu tốc” của Bobbi DePorter và Mike Hernacki, NXB Tri thức (2008).

Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn