Minh Đức. 05:39:39 21-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1226.
Kích cỡ chữ:
Chiếc áo
Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi. Tôi không thấy chiếc áo ấy xấu và cũ một tí nào, trong khi các bạn đồng học đồng tu của tôi gọi nó là “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”. Suốt thời gian theo học Phật ở chùa Báo Quốc tôi đã dùng chiếc áo kia với một sự ưa thích mặn nồng. Chiếc áo ấy nay đã rách quá, không còn mặc được nữa, nhưng tôi vẫn giữ kỹ bởi vì đó là một kỷ niệm quý giá trong đời xuất gia thiếu niên của tôi.
Không thấy nó xấu và cũ, bởi vì tôi thường đem cả cái tinh thần chủ quan của tôi mà nhìn ngắm nó, sử dụng nó. Cái áo đó hơi rộng bởi vì chính là áo của thầy cho tôi, mà nhất là thầy tôi cho đúng vào lúc tôi đang sửa soạn một tâm trạng chân thành để phát nguyện sống đời giải thoát.
Hồi ấy tôi xin vào chùa để học làm điệu, nghĩa là xin tập sự xuất gia. Lúc tôi xin vào, thì số lượng đại chúng đã là gần hai mươi vị, phần nhiều là các vị đã tu học lâu năm. Học làm “điệu” như tôi chỉ có ba người. Chú Tâm Mãn vào sau tôi một năm. Thế là bốn. Chúng tôi học chung, làm việc chung. Công việc của chúng tôi nặng nề nhất, bởi vì tuổi tu của chúng tôi ít hơn. Năm thứ nhất, chúng tôi học công phu, luật Sa di. Năm thứ hai, chúng tôi hoặc Luật giải và những bộ kinh phổ thông. Năm thứ ba, trong số bốn điệu tôi và chú Mãn được xem luôn luôn học khác hơn cả. Chúng tôi hy vọng được làm lễ thế độ trước. Làm lễ thế độ là được chính thức thọ giới xuất gia. Chúng tôi chờ đợi giờ phút ấy như chờ đợi một sự thành công rực rỡ. Riêng tôi, tôi mong mỏi giờ phút ấy còn hơn một thí sinh mong mỏi giờ phút tuyên bố kết quả một cuộc thi sau bao năm học tập.
Giờ phút ấy, cuối cùng, đã đến ... Một buổi chiều gánh củi về nhà, tôi được chú Tâm Mãn báo tin mừng. Thầy tôi (vị Thượng Tọa) sẽ cho tôi chính thức thọ giới xuất gia trước khi gởi tôi về Phật Học Đường Báo Quốc. Một mình tôi thôi, bởi vì chỉ có tôi đủ điều kiện tuổi tác và khả năng nhập học. Chú Tâm Mãn vì còn nhỏ, thua tôi hai tuổi, thành thử dù có sức học nhưng cũng chưa được chính thức làm lễ thế độ.
Trong niềm vui mang ít nhiều bồng bột của tuổi thiến niên ấy, tôi cảm thấy lớn hẳn lên, quan trọng hẳn lên. Chú Tâm Mãn chia với tôi niềm vui ấy một cách sốt sắng chân thành. Ngày khai giảng Phật Học Đường sắp đến. Chúng tôi bàn soạn với nhau về mọi công việc. Riêng về lễ thọ giới, đã có các Thầy lo liệu cho, tôi chỉ việc ôn lại cho thuộc lòng bốn quyển luật Sa di mà thôi. Chúng tôi bàn nhau gởi thư về nhà xin một số tiền nhỏ để nhờ dì Tư đi chợ Bến Ngự mua một ít hương trầm hoa quả để cúng Phật trong ngày lễ thọ giới của tôi. Nếp và đậu chúng tôi nhờ dì Tư nấu xôi chè cúng dường đại chúng chư tăng để kỷ niệm một ngày đáng ghi nhớ nhất trong đời xuất gia học đạo. Nhưng nhà thì xa, gởi thư về không biết có kịp không. Chúng tôi bày tỏ mối lo ngại với dì Tư, dì Tư đã già. Dì cười với hai hàm răng sún rất là dễ thương: “Các chú cứ gởi thư đi, nếu tiền không đến kịp, tôi sẽ lấy quỹ của nhà bếp mà mua cho các chú, rồi mình sẽ bù vào sau”. Thế là chúng tôi mừng rỡ, lên sửa soạn rương kinh sách. Chú Mãn ôm từng chồng giấy vàng bạc bỏ vào rương tôi. Những giấy vàng vạc là do người thập phương đem đên cúng chùa. Thầy tôi dặn đừng đốt, để dùng mà viết kinh. Suốt mấy năm nay chúng tôi đã tập chữ và chép kinh trên giấy ấy mà học. Chú Tâm Mãn chừng sợ tôi ra tường thiếu giấy viết, nên ôm bỏ đầy một góc rương của tôi.
Lễ thọ giới của tôi được định vào bốn giờ khuya mai. Tôi hôm nay, khi cùng đại chúng đi công phu tịnh độ ra, tôi thấy thầy tôi ngồi trên bồ đoàn, trang nghiêm khâu lại một đường rách của một chiếc áo nâu cũ, bên ánh sáng lung linh của cây đèn bạch lạp. Thầy tôi ngồi bán già, ung dung đưa những mũi kim qua lần áo vải. Tuy đã già, nhưng mắt Thầy còn sáng và dáng ngồi của Thầy còn thẳng. Tôi và chú Tâm Mãn dừng lại ở cửa phương trượng, ngắm cái cảnh tượng đẹp đẽ trang nghiêm ấy một lúc lâu. Dưới ánh sáng trong trẻo của ngọn bạch lạp, bên chiếc án thư đặt một chồng kinh Hán tự, thầy tôi có dáng dấp tự tại và trang nghiêm của một vị đại Bồ Tát đương sống những phút trầm tư.
Mãi một lúc sau, chúng tôi mới nhè nhẹ bưóc vào phương trượng. Thấy động, thầy tôi ngửng lên. Thấy chúng tôi, người sẽ gật đầu cúi xuống với đường kim nửa chừng. Chú Tâm Mãn thưa:
- Bạch Thầy xin Thầy đi nghỉ kẻo khuya ạ.
Thầy tôi không ngửng lên:
- Để Thầy khâu lại cái áo tràng nâu để sáng mai cho chú Quán mặc.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao hồi chiều thầy tôi đã mất cả một buổi soạn lại những chiếc áo cũ. Thì ra thầy tôi tìm một chiếc áo lành lặn nhất trong số đó, rồi khâu lại một vài đường rách để cho tôi. Ngày mai tôi sẽ được mặc, lần đầu tiên, một chiếc áo tràng. Ba năm nay chúng tôi chỉ mới được mặc áo năm thân màu lam. Thọ giới xuất gia, tôi sẽ được phép mặc thứ áo quí giá ấy, thứ áo mà trong luật gọi là áo giải thoát - giải thoát phục. Tôi run run bạch lại:
- Bạch Thầy, để chúng con nhờ dì Tư chúng con khâu cũng được.
- Không, thầy muốn tự tay thầy khâu lại cho con.
Im lặng, Chúng tôi vòng tay lễ phép đứng hầu một bên, không dám nói thêm một lời nào nữa. Một lát sau, thầy tôi, mắt vẫn không rời mũi kim, lên tiếng:
- Các chú có nghe trong Kinh dạy rằng ngày xưa có một vị đại đệ tử chỉ nhờ khâu y mà chứng ngộ không? Để thầy nói cho nghe. Vị đại đệ tử ấy thường tìm sự thích thú an lạc trong việc vá lại những chiếc y đã rách, vá lại cho mình và những bạn đồng tu. Mỗi khi đâm qua một mũi kim, ngài làm phát sinh một tâm niệm lành, một tâm niệm giải thoát. Cho đến một ngày kia, khi mũi kim vừa thấu qua làn vải, ngài liền thấu suốt được một pháp môn thâm diệu, và trong sáu mũi liên tiếp, ngài chứng được lục thông.
Tôi ngước nhìn Thầy tôi với một niềm kính mến vô biên. Thầy tôi với đạo phong uy nghi thế kia thì dù chưa chứng được lục thông đi nữa cũng đã lên đến một trình độ giải thoát tự tại mà không biết bao nhiêu lâu nữa, chúng tôi mới mong đạt đến được.
Nhưng chiếc áo đã khâu xong. Thầy tôi ra hiệu cho tôi lại gần. Người bảo tôi mặc thử. Chiếc áo đối với tôi hơi rộng, nhưng không phải vì thế mà tôi không cảm thấy hân hoan đến gần chảy nước mắt. Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng đã từng nuôi dưỡng chí nguyện của tôi trong suốt bao nhiêu năm trường xuất gia tu học.
Tôi tiếp nhận cái áo của thầy tôi trao cho mà như tiếp nhận được cả niềm khuyến khích vô biên kèm theo một tình thương dịu dàng, kín đáo. Giọng nói của thầy tôi lúc ấy có thể là giọng nói êm dịu nhất mà tôi đã được nghe:
- Thầy tự khâu lấy cho xong để sáng mai con có áo mà mặc.
Thật là đơn sơ, nhưng tôi cảm động vô cùng khi tôi nghe câu ấy. Thân tôi tuy lúc ấy không quỳ trước đức Phật, miệng tôi lúc ấy tuy không đọc lời đại nguyện độ sinh, nhưng lòng tôi lúc ấy thật đã phát lời thệ nguyện rộng sâu để sống cuộc đời phụng sự. Chú Tâm Mãn đã nhìn tôi với một cái nhìn cảm mến. Vũ trụ của chúng tôi giờ phút ấy thật là một vũ trụ của hương hoa.
Cho đến bây giờ. Tôi đã bao nhiêu lần may thêm áo mới. Những chiếc áo nâu sau này, chiếc nào cũng có một thời gian được ưu đãi rồi cũng cũng có một thời gian bị lãng quên, nhưng chiếc áo nâu cũ rách năm xưa bao giờ cũng giữ được địa vị vị thiêng liêng của nó. Ngày xưa, mỗi lần tôi mặc áo là tôi nhớ đến Thầy tôi. Ngày nay, chiếc áo rách quá không còn dùng được nữa, nhưng tôi còn giữ nó đấy để nhiều lúc trầm tư nhớ lại một kỷ niệm êm đẹp của thời xưa.
Tình Người Tác giả : Thích Nhất Hạnh Nhà xuất bản : Lá Bối
Hồi ấy tôi xin vào chùa để học làm điệu, nghĩa là xin tập sự xuất gia. Lúc tôi xin vào, thì số lượng đại chúng đã là gần hai mươi vị, phần nhiều là các vị đã tu học lâu năm. Học làm “điệu” như tôi chỉ có ba người. Chú Tâm Mãn vào sau tôi một năm. Thế là bốn. Chúng tôi học chung, làm việc chung. Công việc của chúng tôi nặng nề nhất, bởi vì tuổi tu của chúng tôi ít hơn. Năm thứ nhất, chúng tôi học công phu, luật Sa di. Năm thứ hai, chúng tôi hoặc Luật giải và những bộ kinh phổ thông. Năm thứ ba, trong số bốn điệu tôi và chú Mãn được xem luôn luôn học khác hơn cả. Chúng tôi hy vọng được làm lễ thế độ trước. Làm lễ thế độ là được chính thức thọ giới xuất gia. Chúng tôi chờ đợi giờ phút ấy như chờ đợi một sự thành công rực rỡ. Riêng tôi, tôi mong mỏi giờ phút ấy còn hơn một thí sinh mong mỏi giờ phút tuyên bố kết quả một cuộc thi sau bao năm học tập.
Giờ phút ấy, cuối cùng, đã đến ... Một buổi chiều gánh củi về nhà, tôi được chú Tâm Mãn báo tin mừng. Thầy tôi (vị Thượng Tọa) sẽ cho tôi chính thức thọ giới xuất gia trước khi gởi tôi về Phật Học Đường Báo Quốc. Một mình tôi thôi, bởi vì chỉ có tôi đủ điều kiện tuổi tác và khả năng nhập học. Chú Tâm Mãn vì còn nhỏ, thua tôi hai tuổi, thành thử dù có sức học nhưng cũng chưa được chính thức làm lễ thế độ.
Trong niềm vui mang ít nhiều bồng bột của tuổi thiến niên ấy, tôi cảm thấy lớn hẳn lên, quan trọng hẳn lên. Chú Tâm Mãn chia với tôi niềm vui ấy một cách sốt sắng chân thành. Ngày khai giảng Phật Học Đường sắp đến. Chúng tôi bàn soạn với nhau về mọi công việc. Riêng về lễ thọ giới, đã có các Thầy lo liệu cho, tôi chỉ việc ôn lại cho thuộc lòng bốn quyển luật Sa di mà thôi. Chúng tôi bàn nhau gởi thư về nhà xin một số tiền nhỏ để nhờ dì Tư đi chợ Bến Ngự mua một ít hương trầm hoa quả để cúng Phật trong ngày lễ thọ giới của tôi. Nếp và đậu chúng tôi nhờ dì Tư nấu xôi chè cúng dường đại chúng chư tăng để kỷ niệm một ngày đáng ghi nhớ nhất trong đời xuất gia học đạo. Nhưng nhà thì xa, gởi thư về không biết có kịp không. Chúng tôi bày tỏ mối lo ngại với dì Tư, dì Tư đã già. Dì cười với hai hàm răng sún rất là dễ thương: “Các chú cứ gởi thư đi, nếu tiền không đến kịp, tôi sẽ lấy quỹ của nhà bếp mà mua cho các chú, rồi mình sẽ bù vào sau”. Thế là chúng tôi mừng rỡ, lên sửa soạn rương kinh sách. Chú Mãn ôm từng chồng giấy vàng bạc bỏ vào rương tôi. Những giấy vàng vạc là do người thập phương đem đên cúng chùa. Thầy tôi dặn đừng đốt, để dùng mà viết kinh. Suốt mấy năm nay chúng tôi đã tập chữ và chép kinh trên giấy ấy mà học. Chú Tâm Mãn chừng sợ tôi ra tường thiếu giấy viết, nên ôm bỏ đầy một góc rương của tôi.
Lễ thọ giới của tôi được định vào bốn giờ khuya mai. Tôi hôm nay, khi cùng đại chúng đi công phu tịnh độ ra, tôi thấy thầy tôi ngồi trên bồ đoàn, trang nghiêm khâu lại một đường rách của một chiếc áo nâu cũ, bên ánh sáng lung linh của cây đèn bạch lạp. Thầy tôi ngồi bán già, ung dung đưa những mũi kim qua lần áo vải. Tuy đã già, nhưng mắt Thầy còn sáng và dáng ngồi của Thầy còn thẳng. Tôi và chú Tâm Mãn dừng lại ở cửa phương trượng, ngắm cái cảnh tượng đẹp đẽ trang nghiêm ấy một lúc lâu. Dưới ánh sáng trong trẻo của ngọn bạch lạp, bên chiếc án thư đặt một chồng kinh Hán tự, thầy tôi có dáng dấp tự tại và trang nghiêm của một vị đại Bồ Tát đương sống những phút trầm tư.
Mãi một lúc sau, chúng tôi mới nhè nhẹ bưóc vào phương trượng. Thấy động, thầy tôi ngửng lên. Thấy chúng tôi, người sẽ gật đầu cúi xuống với đường kim nửa chừng. Chú Tâm Mãn thưa:
- Bạch Thầy xin Thầy đi nghỉ kẻo khuya ạ.
Thầy tôi không ngửng lên:
- Để Thầy khâu lại cái áo tràng nâu để sáng mai cho chú Quán mặc.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao hồi chiều thầy tôi đã mất cả một buổi soạn lại những chiếc áo cũ. Thì ra thầy tôi tìm một chiếc áo lành lặn nhất trong số đó, rồi khâu lại một vài đường rách để cho tôi. Ngày mai tôi sẽ được mặc, lần đầu tiên, một chiếc áo tràng. Ba năm nay chúng tôi chỉ mới được mặc áo năm thân màu lam. Thọ giới xuất gia, tôi sẽ được phép mặc thứ áo quí giá ấy, thứ áo mà trong luật gọi là áo giải thoát - giải thoát phục. Tôi run run bạch lại:
- Bạch Thầy, để chúng con nhờ dì Tư chúng con khâu cũng được.
- Không, thầy muốn tự tay thầy khâu lại cho con.
Im lặng, Chúng tôi vòng tay lễ phép đứng hầu một bên, không dám nói thêm một lời nào nữa. Một lát sau, thầy tôi, mắt vẫn không rời mũi kim, lên tiếng:
- Các chú có nghe trong Kinh dạy rằng ngày xưa có một vị đại đệ tử chỉ nhờ khâu y mà chứng ngộ không? Để thầy nói cho nghe. Vị đại đệ tử ấy thường tìm sự thích thú an lạc trong việc vá lại những chiếc y đã rách, vá lại cho mình và những bạn đồng tu. Mỗi khi đâm qua một mũi kim, ngài làm phát sinh một tâm niệm lành, một tâm niệm giải thoát. Cho đến một ngày kia, khi mũi kim vừa thấu qua làn vải, ngài liền thấu suốt được một pháp môn thâm diệu, và trong sáu mũi liên tiếp, ngài chứng được lục thông.
Tôi ngước nhìn Thầy tôi với một niềm kính mến vô biên. Thầy tôi với đạo phong uy nghi thế kia thì dù chưa chứng được lục thông đi nữa cũng đã lên đến một trình độ giải thoát tự tại mà không biết bao nhiêu lâu nữa, chúng tôi mới mong đạt đến được.
Nhưng chiếc áo đã khâu xong. Thầy tôi ra hiệu cho tôi lại gần. Người bảo tôi mặc thử. Chiếc áo đối với tôi hơi rộng, nhưng không phải vì thế mà tôi không cảm thấy hân hoan đến gần chảy nước mắt. Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng đã từng nuôi dưỡng chí nguyện của tôi trong suốt bao nhiêu năm trường xuất gia tu học.
Tôi tiếp nhận cái áo của thầy tôi trao cho mà như tiếp nhận được cả niềm khuyến khích vô biên kèm theo một tình thương dịu dàng, kín đáo. Giọng nói của thầy tôi lúc ấy có thể là giọng nói êm dịu nhất mà tôi đã được nghe:
- Thầy tự khâu lấy cho xong để sáng mai con có áo mà mặc.
Thật là đơn sơ, nhưng tôi cảm động vô cùng khi tôi nghe câu ấy. Thân tôi tuy lúc ấy không quỳ trước đức Phật, miệng tôi lúc ấy tuy không đọc lời đại nguyện độ sinh, nhưng lòng tôi lúc ấy thật đã phát lời thệ nguyện rộng sâu để sống cuộc đời phụng sự. Chú Tâm Mãn đã nhìn tôi với một cái nhìn cảm mến. Vũ trụ của chúng tôi giờ phút ấy thật là một vũ trụ của hương hoa.
Cho đến bây giờ. Tôi đã bao nhiêu lần may thêm áo mới. Những chiếc áo nâu sau này, chiếc nào cũng có một thời gian được ưu đãi rồi cũng cũng có một thời gian bị lãng quên, nhưng chiếc áo nâu cũ rách năm xưa bao giờ cũng giữ được địa vị vị thiêng liêng của nó. Ngày xưa, mỗi lần tôi mặc áo là tôi nhớ đến Thầy tôi. Ngày nay, chiếc áo rách quá không còn dùng được nữa, nhưng tôi còn giữ nó đấy để nhiều lúc trầm tư nhớ lại một kỷ niệm êm đẹp của thời xưa.
Tình Người Tác giả : Thích Nhất Hạnh Nhà xuất bản : Lá Bối
Các tin đã đăng: