610 764
Minh Đức. 13:07:57 20-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1870.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Pháp ngữ của Hòa thượng Hư Vân

Pháp ngữ của Hòa thượng Hư VânCách mạng Tân Hợi 1911 thắng lợi, vua nhà Thanh nhường ngôi, chính quyền địa phương các tỉnh đuổi sư, phá hủy chùa chiền, chiếm đoạt tài sản. Phong trào làm rung động khắp nước. Lúc bấy giờ, người nắm quyền chỉ huy đạo quân cách mạng là quan Hiệp thống Lý Căn Nguyên rất ghét sư sãi, vì xưa ông vẫn gặp toàn hạng sư tăng chẳng giữ giới luật, nên ông có thành kiến rất sâu đậm, không hay đối với Phật giáo.
Cho nên, khi đến địa phương (Kê Túc Sơn) chính ông sắp sửa thân hành đôn đốc quân sĩ đến các chùa lục soát và đuổi hết sư tăng. Nhưng ông còn phân vân suy nghĩ: Hư Vân là một hòa thượng già làm sao được lòng dân chúng như thế. Âu cũng có một việc lạ ở đó. Bèn xuống lệnh cho quân đội phải bắt ngay Hư Vân hòa thượng.
Tai họa sắp đến, không sao đo lường nổi.
Các sư tăng ở các chùa đều trốn chạy. Ngay 200 tăng ở chùa Hư Vân cũng đều run sợ. Có kẻ khuyên ngài nên "dĩ đào vi thượng sách".
Nhưng ngài đáp: "Các ông muốn đi thì cứ đi. Riêng tôi, nếu đúng giờ nghiệp báo đến, tránh đi cũng chẳng ích gì. Tôi đem thân tôi để chết theo pháp vậy".
Nghe thế, tăng chúng đều ở lại chùa hết, không một ai bỏ đi cả.
Ít lâu sau, quan Hiệp thống Lý Căn Nguyên quả nhiên đem quân vào núi, đóng binh ở chùa Tất Đàm, phá hủy hình tượng của ngài Kê Túc đại vương nơi chùa Kim Đỉnh, đập nát luôn điện thờ Phật và điện chư Thiên.
Thấy việc đã gấp rút nguy đến nơi, ngài Hư Vân liền một mình thân hành xuống núi, đến trước quân môn, đưa danh thiếp xin vào yết kiến quan Tư lệnh.
Lính gác và người giữ cửa đều biết ngài Hư Vân, cố khuyên ngài nên mau trốn đi vì tai họa sắp giáng xuống đầu ngài. Bọn họ cố khuyên ngài Hư Vân chạy trốn, một mặt thà chịu chết chớ không thông báo sự có mặt của ngài Hư Vân nơi đây. Nhưng hòa thượng không đồng ý, không ngó ngàng gì lời khuyên của những binh sĩ tốt bụng này, mà cứ lầm lì xông lên, đi thẳng vào dinh.
Thấy ông lý Căn Nguyên và ông Thiện Phiên, là quan Bố chánh tỉnh Tứ Xuyên trước đây, cùng ngồi nơi sảnh đường, Hư Vân bước tới làm lễ.
Ông Lý làm ngơ, không ngó ngàng gì đến khách, ông Triệu là chỗ quen biết xin đứng lên chào đón và bảo từ đâu đến, có việc gì.
Hư Vân liền tỏ bày cặn kẽ nguyên do. Lúc ấy ông Lý sắc mặt hầm hầm, hất hàm hằn học hỏi:
- Phật giáo dùng để làm gì? Có ích gì cho nhân sinh?
Hòa thượng khiêm tốn chậm rãi đáp:
- Thánh nhân lập tôn giáo cốt để cứu đời, lợi sinh. Còn nói về cái gốc ban đầu của Phật giáo là làm lành lánh dữ. Từ xưa đến nay, chánh trị và tôn giáo đều thực hành song song với nhau.
Chánh trị thì để tề dân. Tôn giáo dùng để hóa dân. Phật giáo dạy người trị tâm. Tâm là nguồn gốc của vạn vật. Gốc một khi được chánh ngay thẳng thì muôn vật nhờ đó mà an ninh, thiên hạ nhờ đó mà thái bình.
Lý hơi nguôi, nhưng vẫn còn hằn học hỏi:
- Cần gì những pho tượng gỗ đất kia mà làm tổn phí tiền bạc của quần chúng đóng góp.
Hòa thượng ôn tồn đáp:
- Phật nói pháp tướng, lấy pháp tượng trưng cho tướng. Nếu không lấy tướng để tiêu biểu cho pháp thì pháp không được mở mang. Tướng là để giúp cho người phát khởi lên lòng kính và sợ vậy thôi (Vì vậy không nên lấy tướng làm trọng).
Lòng người ta, nếu không kính sợ thì còn việc ác nào mà chẳng làm, và không có việc làm nào mà chẳng ác. Tai họa, rối loạn mà gây mãi mãi.
Tục ngữ có câu: "Núi Ni đắp thánh, Đinh Lan chạm mộc". Cha mẹ đức Khổng Tử lên núi Ni Sơn cầu đảo mà sanh ra ngài. Ông Đinh Lan, mẹ chết sớm, quá thương nhớ nên lấy gỗ chạm hình để ra vào trông thấy và phụng thờ cúng quải.
Ở Trung Quốc ta, từ đường của các họ cũng như đồng tượng đá các nước phương Đông phương Tây... đều bất quá cũng chẳng qua là để làm cho tâm người ta có chỗ quy ngưỡng quay về và khởi niềm kính tôn. Công hiệu chẳng thể nào nghĩ bàn được.
Nói đến chỗ nguyên tắc cùng cực của các pho tượng này là khi có thấy được cái phi tướng của các tướng (tức là cái tướng không phải tướng) thì đó mới là thấy Như Lai.
Nói đến đây, ông tướng họ Lý hiện ra sắc mặt vui vui, bèn gọi người hầu cận mang trà và các món điểm tâm đến, rồi hỏi tiếp:
- Tại sao các sư chẳng vị nào làm các việc tốt, mà trái lại làm nhiều việc quái đản để bị người đời xem cho là phần tử vô dụng, phế vật của quốc gia.
Ngài Hư Vân đáp:
- Hòa thượng là một tiếng thông thường ở cửa miệng người đời để gọi các sư. Có sự sai biệt thánh hay phàm, chẳng thể nào thấy một vài vị sư không tốt mà bỏ toàn Tăng đi. Há vì một vài ông Tú tài bất mãn, không hay mà trách móc đức Khổng Tử.
Như này nay, ông là một vị tướng thống lãnh biên, nghiêm minh kỷ luật, nhưng đâu phải vì đó mà quân sĩ nhứt nhứt đều như tiên sinh thông minh, chánh trực.
Biển chẳng bỏ loài tôm cá, cho nên biển mới được nói là biển cả. Phật pháp lấy tánh làm biển, cho nên không gì là không dung nạp, không có chỗ nào là chẳng bao dung.
Tăng là bậc hộ trì Tam Bảo, nắm giữ sự hóa độ của Phật, cầm đuốc soi đường cho thế nhân, âm thầm mà giáo hóa, ảnh hưởng rất to, công dụng kín đáo, thâm sâu, mầu nhiệm, lại càng sáng tỏ, không phải hoàn toàn là phế nhân, đồ bỏ đâu.
Sắc mặt ông tướng họ Lý bây giờ hiện vẻ vui mừng, cùng mời Hư Vân ngồi gần để đàm đạo. Chốc chốc mà sắc mặt tươi tắn lên, mất hết vẻ cau có. Rồi lại tiếng cười... rồi cúi đầu tỏ vẻ kính quý, rồi ân cần lưu hòa thượng lại dùng cơm tối, bỉnh chúc thân đàm.
Thế là dưới ánh đèn, ba người cùng tiếp bàn luận sâu xa hơn vào thuyết Nhân quả phân minh, lưới nghiệp báo chằng chịt, rồi từ nghiệp quả nhân duyên đối với thế giới nối tiếp nhau, chúng sanh tương tục. Hư Vân càng nói lời càng thông suốt, lý càng sâu xa thâm diệu.
Ông Lý có lúc dùng lời ôn tồn tiếp hòa thượng, lắm khi lấy dung mạo để kính ngài.
Sau rốt, ông tướng buồn rầu than thở:
- Phật pháp rộng rãi bao la như thế, mà từ lâu nay tôi đã phá chùa, đập tượng, giết sư, nghiệp tôi quá nặng, biết làm sao bây giờ đây.
Hòa thượng đáp:
- Đây là phương trào trong một lúc, nóng giận trong một cơn khiến ra như vậy, đâu phải hoàn toàn là lỗi của ông. Tôi chỉ xin ông từ đây trở về sau hết lòng bảo vệ Phật pháp thì công đức còn gì hơn nữa.
Ông tướng rất vui mừng. Hôm sau, cho lịnh rút quân và đi theo ngài Hư Vân về chùa Chúc Thành chung ở với chư Tăng, ăn chay luôn mấy ngày.
(Trích tiểu sử Hòa Thượng Hư Vân, trang 76 - 80)
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn