110 518
Minh Đức. 22:28:01 18-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1029.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Những bước chân trần

Những bước chân trầnGiữa rừng người khoảng một vạn, chen chúc nhau giành bắt tay vuốt đầu ,và trong không khí oi bức của chùa Hoằng Pháp ,cuối cùng chiếc xe van chở vị trưởng lão khất sĩ khó khăn lắm cũng đã có lối ra để lăn bánh. Đi xa dần vị đại lão Hòa Thượng, mà có lẽ chúng tôi khó còn có dịp gặp lại lần nữa trong đời.
       
        Xe đi rồi để lại trong chúng tôi một cảm giác ngậm ngùi khó tả, về lòng nhiệt huyết của một con người vì đạo pháp. . . . Mặc dù tuổi già sức tận, Ngài cứ muốn nói mãi những lời di huấn về kinh nghiệm hành đạo và tu tập để lại cho mọi người; khóc đã rồi cười, cười rồi khóc, tất cả như một vở kịch sống hơn là bài thuyết pháp, mà chỉ có Ngài là diễn viên mộc mạc. Tôi đã khóc, như một lần đi dưới cơn mưa trái mùa, mưa rơi hay nước mắt tôi rơi chan hòa khi nghĩ về nỗi đau của vị Bồ tát sống. 
 
       Nhìn Ngài đầu đà khiến tôi liên tưởng. . . . ,hôm nay là ngày hội ngộ của hai trái tim, một của vị thanh văn đã đến trạm cuối đoạn đường nguyện độ, và một của vị Bồ tát đạo đang tuột dài từ đỉnh parabol. Nhìn cả hai nhưng tôi tưởng chừng như là một, vì cùng một nhịp điệu của trái tim thật sự vì chúng sanh. Thượng đế ơi, may mắn cho chúng con khi trên thế gian nầy còn có được những người như thế, để niềm đau hục hẫng của chúng con kiệt quệ trong tình người, còn có chỗ dựa nương khi Phật thì ở quá xa. Các Ngài không những đẹp trên hình dung sắc tướng, mà hương đức các Ngài bay khắp cả muôn phương. Không lạ gì tại sao bước chân của các Ngài đi đến đâu cũng vương rải yêu thương, vì từ trường từ bi chấn động đã rã tan những bầu huyết quản giá băng và các Ngài thơm ngát mùi sen trong trái tim của chúng con. 
 
       Từ đó, những bài thơ bài viết vụng dại chân thành dành cho Sư Phụ trên trang web chùa Hoằng Pháp của mọi người, đọc qua chúng con cảm thấy hoan hỉ và thành thật cám ơn những ai như diễn tả dùm cho từng tế bào sống trong cơ thể chính mình. Có lẽ vạn người đến chùa hôm nay cũng có cùng tần số hòa nhịp như vậy. Không những thế, từ đâu một pháp lực phi thường nào, Ngài đã làm dừng bến những trái tim giang hồ, nước mắt họ như chực trào nghẹn ngào chảy vào trong để khấu đầu quy ngưỡng Phật pháp. Tuy nhiên không tránh khỏi những kẻ dèm pha đố kỵ với các Ngài, vì ngay cả Đức Phật còn không tránh được miệng thế gian. 
 
      Đối với Ngài đầu đà ,tôi chỉ nghe qua trên băng giảng và danh đức nhưng không được phước tiếp xúc, để biết nhiều chi tiết về Ngài. Nhưng riêng với Sư Phụ, cá nhân tôi được chuyển hóa qua hạnh thân giáo của Ngài, với cuộc sống thiểu dục tri túc, tài sản chỉ là ba vạt áo nâu và đôi dép cao su, Ngài bôn ba khắp cả mọi miền, khi mọi người đang còn yên giấc, chẳng bao giờ nghĩ đến bất cứ việc gì cho cá nhân mình, điều nầy ai ai cũng thấy rõ. Đời sống của Ngài phản ảnh những phạm hạnh kỷ cương của Sư Tổ ngày xưa. Theo lời thuật lại của một vị thầy từ xa ,vô tình đến viếng phòng Sư Phụ, thầy đã sửng sốt, không ngờ là một phương trượng với ngôi chùa nguy nga lừng danh, nhưng căn phòng Ngài ở đơn sơ, hẳn thua của một chú sa di sành điệu, không ngoài một đơn gỗ cũ để ngủ và một cái bàn con để làm việc. Lời nói nầy khiến tôi liên tưởng lại những di tích căn phòng ọp ẹp của Ngài Ấn Quang, nơi chùa Pháp Vũ bên Trung Quốc mà chính mắt tôi được tham quan . 
 
      Hôm nay trước mắt, hình ảnh vị sư đầu đà xưa kia mạnh như lực sĩ, bây giờ còn đâu với những bước chân run rẩy, khiến chúng con rơi lệ, càng chiêm nghiệm rõ luật vô thường. Chúng con lại lo nghĩ đến một ngày mai, những bước chân phiêu bạt của Sư Phụ,đi hoằng pháp khắp nơi nơi, làm việc không có thời giờ nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khỏe của Ngài với công việc đa đoan, lòng chúng con không khỏi quặn thắt. . . 
 
      Đã vậy gánh nặng đang chờ đợi với một đàn con dại chập chững vào đạo,vào đời. Con cái nhà ai, môi trường giáo dục như thế nào, bây giờ trở thành con mình, Sư Phụ phải nặng hơi mỏi cổ, ra công ra sức dạy dỗ, để tre tàn có măng mọc, đào tạo nên giềng mối trường tồn của Phật pháp, là cả một đại vấn đề trút trên vai Ngài. Trong khi đại sư Ấn Quang là Đức Đại Thế Chí hóa thân, mà còn không dám làm trụ trì, và xuất gia cạo tóc cho ai cả, vì Ngài nói rằng:" đời mạt pháp, tại cửa địa ngục, người xuất gia chen chân vào đông nghẹt" . Thế mà chùa Hoằng Pháp mỗi đợt xuất gia, Ngài từ bi nhận cả chục người, đủ biết trách nhiệm Ngài thật cao vời vợi. Nhưng cuộc đời thường chua chát " giáo đa thành oán", chúng ta dạy dỗ một đứa con đã khó, huống hồ dạy một vị trưởng tử Như Lai. Ngài cưu mang nặng gánh nhưng mấy ai lòng biết nghĩ đến, công dưỡng dục đào tạo từ thuở bé, nếu chẳng may gặp người phước mỏng nghiệp dầy, tâm hồn non trẻ không biết nghĩ suy, chỉ làm lòng Ngài thêm nặng ưu tư. Thật là cay viền mắt cho kẻ bàng quang. 
 
    Ngoài việc hoằng dương pháp môn Tịnh Độ cho mọi người, Ngài còn lo sự tuột dốc suy đồi đạo đức của tuổi trẻ thời nay, họ là mạng mạch của quốc gia dân tộc, lẫn đạo pháp. Nên các khóa tu tuổi trẻ và sinh viên cũng được chăm sóc mở ra, để họ được hiểu biết đạo làm người. Mỗi kỳ lễ hội cả vạn người đến chùa, thực phẩm lại miễn phí, nhưng khã năng chùa có hạn, một người ăn lại lấy cả mấy phần để dành đó, họ vừa ăn vừa bỏ thùng rác !!. Trong khi họ có biết đâu, Ngài Hàn Sơn và Thập Đắc là hóa thân của Ngài Phổ Hiền và Văn Thù, thức ăn hằng ngày của các Ngài là vớt từng hạt cơm thừa rơi vãi dưới rãnh cống rửa chén của chùa, các Ngài rửa sạch lại để ăn, vì những phí phạm trong cửa chùa,bị mất phước, lạm mất tài chánh, trọng trách đó làm người trụ trì phải gánh chịu; chính vì thế Ngài Ấn Quang đã không làm trụ trì. 
 
      Cuộc đời hoằng pháp của các Ngài nhiếu nỗi lo toan trong con đường Bồ tát đạo, Phật tử đến chùa, cho dù bất cứ chùa nào, tâm chúng sanh có người từ ba cảnh giới lành rớt xuống còn đỡ, có kẻ từ ba ác đạo vừa mới ngoi lên, họ có những chủng tử, tập khí ác còn mang theo nên không dễ gì giáo hóa. Nhưng các Ngài cũng từ bi dùng đủ mọi mọi phương tiện để dạy dỗ, không ghét bỏ một người nào. Họ vào chùa có khi vì vô tình hay hữu ý, họ thật hung dữ và mang những hành động ác kiến phá hoại, trên họ nịnh bợ, dưới kết cấu phân chia bè phái, thích nói lời thêu dệt vào bất cứ câu chuyện nào cho hấp dẫn theo ý họ. Ngã mạn thủ đoạn trong chức vụ, chèn ép bức bách người hiền, khiến người tài giỏi bị đố kỵ nản chí không chịu nổi bỏ đi ,để mặc họ thao túng, từ đó chùa khó phát triển vì thiếu nhân tài. Đó là những khó khăn của những người làm Phật sự hoằng dương chánh pháp phải đương đầu. Chỉ vì vô minh che lấp nên họ mắc phải tánh ma như vậy, nên các Ngài phải dùng đuốc trí huệ dẫn dắt và chịu đựng họ,phá tan bóng tối dắt họ trỡ về con đường lầm lạc, vì ai ai cũng là Phật sẽ thành. 
 
     Những bước chân trần của các Ngài đi trên cõi Ta Bà nầy thật là rướm máu. Tuy nhiên lúc nào các Ngài luôn ung dung tự tại, như Ngài đầu đà tới tuổi gần đất xa trời nhưng lúc nào cũng vô tư cười như trẻ con trên giảng đường. Chúng ta hãy cùng nhau bớt tập khí, gom sức xây dựng, mỗi người là một hoằng pháp viên trách nhiệm cho mỗi ngôi già lam ngày càng vững mạnh. Không phân chia bản ngã thầy tôi, chùa tôi. Một khi các Ngài xả báo thân rồi, còn đâu những lời sách tấn hồn nhiên dạy dỗ chúng ta. Chúng con chỉ biết khấu đầu xin nguyện ơn trên cầu nguyện cho Ngài đầu đà và cho sức khỏe Sư Phụ, mãi mãi âm vang những lời dạy dỗ trầm buồn quí giá, vào mỗi bữa điểm tâm tại trai đường còn mãi mãi và mãi mãi. 
 
NHÂN PHÚC
 
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn