1010 429
Minh Đức. 00:07:50 20-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1159.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Kinh Dễ Thương

Kinh Dễ ThươngPuràna là một trong mười đại đệ tử giỏi nhất của đức Phật và là người thuyết pháp giỏi nhất. Trước khi xuất gia, thầy là con của ông trưởng giả giàu có. Một lần, nghe Phật thuyết pháp, thầy đã phát tâm xuất gia, hành trì đạo giải thoát.
Phật hỏi, Vì lí do gì mà ông xuất gia? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, con xuất gia vì con thấy Thế Tôn có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.
Phật nói tiếp, Như vậy thì không được, sắc thân của ta sẽ già đi và tàn hoại, không còn tốt đẹp nữa, ông sẽ không tu nữa sao? Thầy Puràna tiếp tục xin xuất gia. Phật hỏi, Vì lí do gì mà ông xuất gia? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, lúc con nghe Thế Tôn thuyết pháp, lời pháp thật hay nên con xin xuất gia.
Phật nói, Vậy cũng chưa được, ta sẽ già nua, sức cùng lực kiệt, ta không thuyết pháp được nữa, ông sẽ không tu nữa sao? Thầy Puràna tiếp tục xin xuất gia. Phật hỏi, Vì lí do gì mà ông xuất gia? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, con thấy các thầy ai cũng tu hành thanh tịnh, giới hạnh trang nghiêm, thật là phước điền của chúng sinh nên con xuất gia.
Phật nói, Vậy cũng chưa được, nếu có một thầy tu hành không thanh tịnh, giới hạnh không trang nghiêm, ông sẽ không tu nữa sao? Thầy Puràna tiếp tục xin xuất gia. Phật hỏi, Vì lí do gì mà ông xuất gia? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, con muốn chứng quả giải thoát.
Phật nói, Thật là hay, ông đã được xuất gia chân chánh.
Thầy Puràna được xuất gia, thường xuyên nghe Phật thuyết pháp, tu hành hết sức tinh tấn và chứng quả A La Hán.
Một lần, thầy Puràna mong muốn đến giáo hóa tại một vùng mà dân chúng ở đó rất hung dữ. Trước khi thầy đi, Phật cho gọi thầy đến rồi hỏi, Giả sử khi thầy đến đó dân chúng mắng chửi thầy thì thầy làm sao? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, họ vẫn còn dễ thương vì chưa đánh con.
Phật hỏi, Giả sử họ đánh thầy thì thầy làm sao? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, họ vẫn còn dễ thương vì chưa giết chết con.
Phật hỏi, Giả sử họ giết thầy thì sao? Thầy Puràna thưa, Bạch Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn dễ thương, con sẽ rất cám ơn họ vì họ đã giúp con giải thoát ra khỏi thân tứ đại đầy bất tịnh và khổ đau này.
Phật nói, Thật là hay, thầy đích thực là người giáo hóa giỏi nhất.
Qua bài Kinh Dễ Thương, mình thấy người xuất gia tu học với mục tiêu tối thượng là giải thoát. Người giải thoát không kẹt vào hình tướng, như 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật, và không kẹt vào âm thanh, như lời thuyết pháp của Phật, đồng thời không kẹt thanh tịnh hay giới luật từ bên ngoài như tăng thân hay đối tượng nào khác. Người giải thoát chắc chắn đã tự mình thực tập, tự mình xoay vần từ chưa giải thoát đến giải thoát. Đây là yếu tố dễ thương của người tu, nói cách khác, người tu là người dễ thương và người biết tu là người biết hành xử dễ thương, suy nghĩ dễ thương, hành động dễ thương và lời nói dễ thương.
Người tu cần hành kham nhẫn và kham nhẫn là yếu tố tạo nên chất liệu dễ thương của người tu. Người kia sử dụng lời nói không dễ thương nhưng với cái tâm dễ thương thì lời nói dù không dễ thương vẫn thấy dễ thương, nên lời nói không dễ thương không thể tác động đến người đang tràn ngập năng lượng dễ thương. Người kia hành động không dễ thương như đánh đập, khủng bố, thậm chí tước đi mạng sống, nhưng với người tâm địa dễ thương thì hành động kia có xá gì. Tâm dễ thương không còn kẹt vào ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, nên không còn thấy đau đớn, không thấy hờn giận, không thấy thù hận, không thấy riêng biệt với hành động gọi là gây hấn hay hành động chưa dễ thương. Hãy làm cho tâm dễ thương.
Trong Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, có một số đoạn nói về việc nhìn vào điều dễ thương của người mà diệt trừ hay chuyển hóa sự hờn giận. Thứ nhất, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ hai, nếu có một ai đó mà nói lời không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ ba, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ tư, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ năm, nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. (15)
Sự phiền giận có thể che lấp khả năng quán chiếu và thừa nhận điều dễ thương của người khác. Như một ông vua ra lệnh chém đầu quan trung thần chỉ vì một lỗi lầm nhất thời mà quên đi những thành tựu mà ông này mang lại trong nhiều năm. Cũng vậy, mình giận vì cái lỗi nhất thời của người kia trong khi họ vẫn còn đầy dẫy những điều dễ thương. Cái giận làm mình quên mất đó là người dễ thương và người đó vẫn đang là người dễ thương. Cái giận đã “delete” mọi điều dễ thương của người đó. Với người hành động, lời nói và trong tâm không còn chút gì dễ thương thì ắt hẳn là người rất đau khổ, nếu không nói là đau khổ tột cùng và đang bế tắc trong lối thoát, nếu mình sinh tâm phiền giận người này thì có phải mình là người đáng trách hay không. Không phải họ không dễ thương, mà do chưa biết cách dễ thương, không ai chỉ dẫn cho phương cách dễ thương nên họ hành xử không kịp dễ thương. Hãy cho họ thời gian, hãy cho họ phương tiện, hãy cho họ hoàn cảnh, khi thuận duyên đầy đủ, tự nhiên họ sẽ dễ thương ra thôi, đơn giản vì họ có khả năng tự chuyển hóa, khả năng tự dễ thương.
Angulimala đã từng là một tên sát nhân, phải nói là tên sát nhân hàng loạt. Ngày nay người ta gọi những người như vậy là tên khủng bố. Nhắc đến tên Angulimala là người ta đã sợ hãi nói chi  đối diện trực tiếp hay giáo hóa người này. Người ta đã xây dựng cho riêng mình về hình ảnh của Angulimala là một quỷ dữ, một thứ độc địa, một thứ nguy hiểm nhất mà mình phải tránh, phải chạy trốn, phải xua đuổi, phải bắt giữ và phải hành hình. Kiểu Angulimala xuất hiện thời đại này nhiều lắm, cái tội danh giết người hàng loạt, cái tội danh sát hại sinh mạng cướp của, cái tội danh đánh bom liều chết, cái tội danh khủng bố, cái tội danh thảm sát thường dân, cái tội danh diệt chủng và đủ thứ tội danh ghê gớm khác. Thế đức Phật đã đối diện với một Angulimala, một ác quỷ như thế nào.
Thấy Phật đi trên đường, Angulimala muốn giết Phật lấy một đốt xương tay để làm tràng xương đeo vào cổ. Anh muốn giết một người mà không có một tấc sắc trong tay, không có một võ khí nào trong tay. Phật bưng bát đi khất thực trong thành Xá Vệ, nghe tiếng chân chạy rầm rập phía sau, ngài biết Angulimala đang đuổi tới, nhưng ngài vẫn đi thản nhiên. Khi còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, ngài là người giỏi võ công, nhưng trong trường hợp này, ngài không hề dụng một tí võ công nào. Angulimala lớn tiếng nói, Ông thầy tu kia, đứng lại mau. Phật vẫn đi, dù ngài vẫn nghe tiếng của thúc giục ngài đứng lại. Angulimala tiếp tục la lớn, Cái ông thầy tu này, có đứng lại không. Phậtt vẫn đi như không, không tỏ vẻ sợ hãi. Hồi sau, Phật nói, Ta đã đứng lại rồi, chỉ có anh là chưa đứng lại thôi. Angulimala ngạc nhiên, Sao vậy, ta có đi đâu, ta đang đứng đây, chỉ có ông là đang đi, ông đứng lại hồi nào, ông dừng lại hồi nào. Phật bình thản đáp, Ta đã dừng lại các hành động ác nghiệp từ lâu rồi, chỉ có anh vẫn đang tiếp tục những hành động đó, anh mới là người phải dừng lại. Angulima gần như giật mình trước lời của Phật. Phật tiếp tục, Con người ai cũng sợ chết, sợ đau đớn hoành hành, mình phải biết thương người, thương người chính là thương mình vậy. Angulimala sau đó được Phật xuất gia, tu tập rất tinh chuyên và đạt được mục đích của người tu.
Qua câu chuyện này, Phật đã hành xử một cách hết sức văn minh, đối xử với tên khủng bố ác liệt nhất bằng thanh gươm của từ bi và trí tuệ. Thanh gươm này có thể chặt đứt mọi phiền não, mọi bạo động và mọi hận thù. Chỉ có từ bi mới khơi gợi từ bi của người khác. Chỉ có trí tuệ mới biết cách sử dụng từ bi. Con người dù dã tâm cách mấy cũng còn chút ít từ bi, chút ít từ bi này tuy nhỏ bé nhưng rất quan trọng vì nó là cái gốc còn xót lại, nó đang tiềm ẩn, nó đang chờ một cơn mưa cam lồ, chỉ cần đủ thuận duyên, nó sẽ nảy mầm, nếu được nuôi dưỡng sẽ đơm hoa kết trái. Mình không có quyền loại từ bi ra khỏi sự sống vì bản chất của sự sống là từ bi. Hitler là phải chết, Osama Bin Laden là phải chết, Pol Pot là phải chết vì họ là diệt chủng, là khủng bố. Vậy khi họ chết rồi, thế giới này cò còn hết sợ hãi, có còn hết bạo động, có còn hết những khổ đau, hay những khổ đau vẫn còn đó, những đau thương vẫn còn đó. Chỉ có từ bi, tha thứ và bao dung, con người mới chấm dứt được sự thù ghét nhân loại. Chỉ có trí tuệ, biết ôm lấy niềm đau, biết chuyển hóa niềm đau thì kẻ khủng bố mới trở lại làm người. Bằng không, tên khủng bổ này vừa bị tiêu diệt, tên khủng bố khác sẽ xuất hiện, thậm chí tàn khốc hơn trước. Kham nhẫn với khổ đau để khổ đau được chút ít từ bi, cho đến khi thấm nhuần từ bi. Kham nhẫn với Angulimala là để Angulimala có chút ít từ bi, để chuyển hóa, để giác ngộ. Kham nhẫn với khủng bố để khủng bố nhận ra mình vẫn còn chút ít từ bi mà hóa giải hận thù. Hãy làm cho tâm từ bi.
Thông thường mình chỉ thương được những người dễ thương, những người cùng hội cùng thuyền, những người hợp nhãn, hợp tiêu chuẩn, hợp với sở thích hay quan điểm của mình, còn ngược lại thì mình không thích gì mấy, hoặc bị gán là người này không được dễ thương. Vậy làm sao thương được người không dễ thương? Mình có xu hướng chọn bạn mà chơi, nhưng cách chọn bạn mà mình sử dụng không phải để giúp mình tốt hơn, mà lại khiến mình rơi vào tình trạng kì thị. Ví dụ người đó hay khen mình và tốt với mình thì mình thương, còn người kia hay chê bai,  hiềm hận và đối xử tệ bạc với mình, nên mình ghét, mình không thương nổi người kia. Và kết quả là gì, mình thích người theo phe mình và không thích người không theo phe mình, theo kiểu ngày nay người ta dùng từ lề phải hay lề trái gì đó. Hãy thử nhìn đôi bàn tay, đã có tay phải thì phải có tay trái, đã có lề phải thì phải có lề trái, đã có người dễ thương thì phải có người không dễ thương, đã có cái này thì phải có cái kia, không có cái gọi là đơn phương độc mã, hay đơn thân. Khi tay phải bị đau, tay trái tự nhiên nắm lấy tay phải và xoa cho tay phải bớt đau, nên tay phải cũng cần biết ơn tay trái. Khi bên lề phải người ta đào đất, không có chỗ cho người đi bộ, nên người đi bộ sẽ dời sang lề trái mà đi, người đi bộ tùy nghi mà sử dụng lề, đâu nhất thiết là phải hay trái. Người không dễ thương vì mình chưa hiểu người, chưa thấy được cái dễ thương của người, mình chỉ châm mẫm vào điều không dễ thương thôi, mình ích kỉ vậy đó, tâm mình không chịu mở ra và mình đem cái tâm không dễ thương để nhìn người, nên nhìn ai cũng thấy không dễ thương.
Muốn thương người mà mình cho là không dễ thương, phải hiểu họ, tại sao họ không dễ thương, điều gì đã khiến họ không dễ thương, điều gì khiến cho mình chưa nhìn thấy điều dễ thương và điều gì khiến mình chưa thương được điều không dễ thương ở họ. Có hiểu thì mới có thương, muốn thương người không dễ thương hãy hiểu điều không dễ thương và hiểu vì sao họ hành xử không dễ thương.  Vì hoàn cảnh, vì sự bất lực, vì những yếu đuối, vì nhỏ nhen, vì mệt mỏi, vì chán chường, vì ganh tị, vì hiềm giận, vì bị ép buộc và đủ thứ cái vì khác nên họ không thể dễ thương được, nhưng nếu nhìn kĩ, họ vẫn có nhu cầu dễ thương, họ muốn dễ thương lắm chứ, nhưng vì mấy cái vì kia nên họ không đủ sức để dễ thương. Nghĩ vậy mà thương họ, đã thương rồi thì mấy cái chưa dễ thương này nọ, mình cũng thương luôn. Nhưng trước hết mình khoan bắt họ dễ thương với mình, mình hãy dễ thương với họ trước đã. Còn cứ nhìn vào điều họ chưa dễ thương, trong phút chốc mình đã trở nên không dễ thương rồi.
            Nhiều điều không dễ thương xảy ra cho mình và mình chỉ muốn khóc thôi. Khóc đôi khi giúp ích vì tâm có thể nhẹ đi phần nào, nhưng nếu khóc rồi sau đó không làm gì hết, không giải quyết nguyên nhân của cái khóc thì khổ đau vẫn còn. Khóc vì hạnh phúc cũng đáng khóc, nó giúp người ta gần gũi và hiểu nhau hơn. Nếu có bài thiền cười cũng nên có bài thiền khóc. Tuy nhiên việc khóc lóc cũng bị lạm dụng, và nó sinh ra hội chứng khóc lóc. Cái gì cũng có thể khóc, đụng chuyện là khóc. Con gái mít ướt đã đành, con trai cũng mít ướt luôn. Bây giờ người ta thích khóc và trở thành hội chứng. Sự bình tĩnh không được rèn luyện nên khóc nhiều quá khiến người ta yếu đuối và chìm đắm trong việc khóc, chìm đắm trong sự đau thương. Đành rằng mình thương nên mình khóc nhưng nếu khóc để đi tới giải pháp lành mạnh thì khóc vẫn mang ý nghĩa tích cực. Ví dụ mình nhìn cảnh chiến tranh khốc liệt, mình thương cảnh chia lìa nên mình khóc, từ cái khóc này, mình thấy bây giờ đang có hòa bình, thì mình hãy nỗ lực xây dựng hòa bình, bây giờ còn ở bên nhau thì trân quý sự có mặt cho nhau, trong cái khóc có sự thực tập. Ngược lại, mình khóc vì sự bi lụy, vì không thể chịu nổi đau đớn, và từ cái khóc đó, mình bi quan, mình chạy trốn khổ đau hay muốn trả thù khổ đau bằng cách đi gieo rắc khổ đau, khóc này không đáng. Có cười thì phải có khóc. Có người tu tập bắt được con đường chánh pháp, mừng vui quá nên khóc, khóc vì sung sướng. Sau bao nhiêu năm trôi lăn trong biển đời ái dục tối tăm, nay tìm được ánh sáng, mừng rỡ như đứa con trở về nhà. Về nhà nhìn thấy Phật, thấy ba mẹ, thấy anh chị em, thấy bạn bè, thấy những người thân thương, mừng mà rơi nước mắt. Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh, người anh đi chiến trường thấy cảnh chết chóc của đồng đội, không còn đủ sức để rơi nước mắt nữa. Giờ về nhà, hòa bình rồi, bây giờ mới có thời gian mà khóc. Khóc vì không còn chiến tranh, khóc vì không còn chứng kiến đồng đội ngã xuống nữa.
            Kham nhẫn với đau thương, đồng cảm với đau thương nhưng không làm tình làm tội đau thương, không làm nô lệ cho đau thương, không xây nhà tù hắc ám cho đau thương, bằng không mình rơi vào hội chứng đau thương. Xu hướng tìm kiếm đau thương qua phim ảnh, sách báo, âm nhạc, đưa mình đi vào thế giới của đau thương. Nếu một tác phẩm nghệ thuật như phim chẳng hạn khi lột tả đau thương và chia sẻ phương hướng giải quyết đau thương lành mạnh thì tốt hơn là đưa người xem vào sự bế tắc. Theo chuyên viên tâm lý lâm sàng, bệnh viện Nhi Đồng 1, cô Nguyễn Thị Diệu Anh, cho rằng đau khổ gây nên rối loạn dạng cơ thể, nhất là trẻ em, do bị lừa dối, bị bỏ rơi, bị hụt hẫng… Nghe một bản nhạc đau thương có thể dẫn đến tình trạng như vậy và vô hình chung bài nhạc đau thương kia tưới tẩm hạt giống như là bị lừa dối, như là bị bỏ rơi, như là bị hụt hẫng… Mình có xu hướng tìm kiếm đau thương dù trong thực tế chuyện đau thương này chưa xảy ra với mình. Đau thương đó bủa giăng khắp nơi, khắp phương tiện thông tin đại chúng, nó bám lấy, ám lấy và hắc vào mình như ai đó tạc vào cái nồi nước sôi, đây là nồi đau thương. Cái âm thanh đau thương tạc vào tai khiến tâm mình nhức nhối, nhiều khi nó còn nặng hơn nồi nước sôi. Kham nhẫn với đau thương bên trong đã đành, mình còn phải thực tập bình tĩnh để kham nhẫn với đau thương bên ngoài. Biết cái đau thương bên ngoài để chuyển hóa đau thương bên trong, không chìm đắm và cổ xúy cho đau thương bên ngoài đó. Biết đau thương bên trong để đối trị với đau thương và bình thản với đau thương bên ngoài. Đau thương có mặt vì hạnh phúc có mặt, học cách chấm dứt đau thương chứ không hùa theo đau thương. Đã có đau thương thì có nguyên nhân của nó, có phương pháp để chấm dứt đau thương, hùa theo đau thương chẳng khác nào tạo điều kiện cho đau thương có sự tiếp nối.
            Mẹ đột ngột qua đời và ba đi thêm bước nữa. Đứa con đau khổ vì mẹ mất nên chỉ muốn ba thương và dành toàn bộ tình thương cho mình. Việc ba cưới thêm người vợ khác khiến đứa con cảm nghĩ, chắc ba không thương mẹ nữa và sự có mặt của đứa con không đủ để ba dành trọn vẹn tình thương. Đứa con thấy ba không dễ thương và người mẹ kế bị ghét lây. Đứa con thấy bà không dễ thương vì đã xen vào đời sống của mình, đã dành mất ba và dành mất tình thương mà ba đang dành cho nó. Thật ra ba vẫn thương đứa con nhưng vì đứa con chưa hiểu ba, chưa thấy được tình thương dành cho đứa con trong ba và trong tâm có sự hờn giận nên thấy ba mình ích kỉ. Đứa con có sự sợ hãi như vậy. Hãy thử nhìn xem, ba mình còn trẻ và cần người chăm sóc. Người phụ nữ thứ hai cũng đáng tuổi mẹ mình, chắp nối với ba mình bằng tình thương, hãy nghĩ mình có thêm người mẹ, có phải hạnh phúc hơn không. Hiểu rồi thì hãy biết thương, biết chấp nhận người mẹ thứ hai, và tìm phương pháp để giữ hòa khí trong gia đình, đây là đứa con biết nghĩ, biết đem cái tâm dễ thương mà nhìn. Nếu tâm không dễ thương, mình nhìn người dễ thương cách mấy cũng thành ra không dễ thương. Ba mình dễ thương lắm, nhưng do hành động đi bước nữa của ba, theo suy nghĩ của mình, làm như vậy là không dễ thương với mẹ, không dễ thương với mình, nên giận ba, giận luôn người mẹ kế. Kham nhẫn với đòi hỏi người khác phải hành xử dễ thương với mình, trái tim mình sẽ lớn hơn, sẽ dễ thương hơn. Người biết yêu thương chấp nhận tất cả, chấp nhận hy sinh, không đòi hỏi người kia phải hành xử trong những ý niệm nhỏ bé. Hãy làm cho trái tim biết dễ thương.
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn