810 109
Admin. 23:37:16 01-03-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1601.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Không nên lo lắng

Không nên lo lắngLo lắng về tương lai, một thứ lo lắng không cần thiết nhưng “ngốn” rất nhiều năng lượng! Tương lai là một phương trời mịt mờ vô định, vậy mà chúng ta cứ lo lắng, dù rằng không thể nào can thiệp được….
Thường bạn hay lo lắng rất nhiều điều trong cuộc sống…
Lo lắng về tương lai, một thứ lo lắng không cần thiết nhưng “ngốn” rất nhiều năng lượng! Tương lai là một phương trời mịt mờ vô định, vậy mà chúng ta cứ lo lắng, dù rằng không thể nào can thiệp được…. Có lúc bạn dành quá nhiều năng lượng và thời gian để lo lắng cho rất nhiều chuyện trong tương lai nhưng rồi nó không xảy ra, bạn lại tự an ủi, biện hộ “kệ, dù sao lo vẫn còn hơn không”, mà vẫn không lý giải được cái “hơn” đó là gì! Ngày nào cũng có quá đủ nỗi khổ của ngày đó rồi, sao lại đeo mang thêm nỗi khổ lo lắng cho ngày mai khi không có gì là chắc chắn?  
Thường bạn hay lo lắng việc của người khác, khi bạn hoàn toàn không có khả năng can thiệp vào. Loại lo lắng vô lý này thường thấy xuất hiện ở cha mẹ khi nghĩ về con cháu. Các đấng sinh thành thường pha trộn tình cảm thương yêu và sự bất lực của mình đối với công việc của con cháu thành một thứ chẳng giúp được gì cho ai, đó là lo lắng. Cha mẹ lo lắng cho con dần thành một thói quen khó bỏ. Nếu được ai đó khuyên đừng nên lo lắng nữa, vì đó là chuyện của con cháu, cứ để tụi nó tự đương đầu, tự giải quyết, lo cũng không được gì… thì bạn sẽ nhận được câu trả lời: “người chứ phải gỗ đá gì mà không biết lo!” Tưởng tượng và suy diễn là thức ăn để nuôi dưỡng lo lắng trong trường hợp này để một việc nhỏ xíu cũng có thể trương phồng to như quả núi bóp nghẹt con tim!
Khi bạn cảm nhận rằng những người xung quanh đang kỳ vọng vào bạn nhiều hơn khả năng của bạn. Vì không muốn làm người khác thất vọng, bạn đang chịu một áp lực không nhỏ để trở thành mẫu người mà người khác muốn: bạn lo lắng! Thật vô ích khi làm như vậy, vì dù nhón chân vói tay, bạn vẫn không thể làm những điều ngoài khả năng vốn có của mình. Thêm nữa, bạn chọn cách sống để làm vừa lòng người khác, không phải sống cho mình, mà lại không đủ khả năng để làm điều đó, bạn tự chuốc lấy sự căng thẳng, bất an là điều không thể tránh khỏi.
 
Lo lắng những điều không mang lại cho bạn một giải pháp thiết thực chẳng khác nào như đang ngồi trên chiếc chiếc ghế bập bênh (rocking chair), thấy có đong đưa chuyển động, nhưng chẳng đưa bạn đi tới đâu cả! Lo lắng cũng giống một con chuột chạy trên bánh xe, cứ lòng vòng rồi cũng chẳng tới đâu. Có chăng, nó chỉ tạo nên một cảm giác ảo như thể đang chuyển động! Lo lắng không thay đổi bất cứ điều gì ngoại trừ làm cho bạn đau khổ.
Không phải chuyển động nào cũng đưa ta đi tới! Nếu sự lo lắng không giúp bạn tìm được giải pháp, nó sẽ khiến vấn đề của bạn tồi tệ hơn hoặc tạo thêm vấn đề khác cho bạn và tạo áp lực không cần thiết cho những người thân chung quanh.
Lo lắng chỉ cần thiết khi đó đồng nghĩa với sự lưu tâm và là biểu hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với những việc bạn sẽ phải làm. Mà có chăng, cũng chỉ nên lo lắng ở mức vừa phải, đủ để tạo một cú hích tâm lý cho bạn có sự chuẩn bị chu đáo nhất trước khi bắt đầu việc đó mà thôi. Còn ngồi đó mà lo suông, lo “chay” những điều xa vời ở tận đâu đâu thì thật là uổng phí cuộc đời!
Những nghiên cứu về lo lắng đã chỉ ra những số liệu thống kê sau: 40% những lo lắng chẳng bao giờ xảy ra. 30% những gì ta lo lắng đã xảy ra rồi. 12% là những nỗi lo không cần thiết (ví dụ người khác nghĩ về bạn như thế nào) 10% là những điều nhỏ nhặt, không quan trọng (như việc lo ăn gì, mặc gì…), 8% những gì ta lo ngại thực sự xảy ra. Trong số đó 4% những âu lo xảy ra là ngoài tầm kiểm soát của mình và chúng ta không thể làm gì để thay đổi kết quả. Những nỗi lo này có thể bao gồm sức khỏe, chết của người thân hay một thiên tai nào đó. 4% những lo lắng còn lại là lo lắng về những điều mà chúng ta không thể hoặc nếu có, cũng rất ít sự toàn quyền kiểm soát và can thiệp.
Như vậy, trang bị những kỹ năng nhận định, xoay xở  và giải quyết vấn đề, giữ tâm bình thản khi đối mặt với thực tế hóa ra lại dễ chịu đựng hơn nhiều so với những nỗi lo lắng bạn tạo ra để tự hành hạ tâm mình! Dale Carnegie trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” khuyên chúng ta rằng “hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” là nghệ thuật để giảm thiểu những lo lắng không cần thiết vậy.
Nên nhớ: Lo lắng không làm vơi cạn những phiền toái của ngày mai, mà nó vắt cạn sức sống của ngày hôm nay. Lo lắng không thể lấy đi những phiền toái của ngày mai, nhưng nó lấy đi sự bình an của ngày hôm nay! 
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn