Hai người đệ tử
Xưa, có một thầy đồ già không có con cái, ông chỉ có hai chú đệ tử và thương yêu chúng như ruột thịt.
Hai chú nhỏ chưa được dạy dỗ nên người thì cụ đồ lâm bệnh, phải nằm liệt giường. Họ đều kính trọng và thương mến thầy, lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh nhưng trong lòng vốn xung khắc, chẳng ưa nhau.
Kề cận bên nhau cùng lo một việc nhưng hai chú bé lúc nào cũng hiềm khích, ghét bỏ nhau. Một hôm, cụ đồ sai Tý đi chợ, Tèo ở nhà hầu thầy. Thừa dịp Tý đi vắng, Tèo ở nhà dùng búa đập gãy chân phải của thầy, nghĩ bụng rằng: “Để cho thằng Tý về nhà thấy cái chân của nó săn sóc bị gãy sẽ tức bể bụng mà chết cho coi!”.
Tèo đoán không lầm, Tý về nhà thấy cớ sự giận vô kể. Tý dùng búa nện gãy luôn chân trái của cụ đồ. Kết cuộc cả hai Tý lẫn Tèo đều hả dạ, duy chỉ có thầy của chúng, cụ đồ là gãy hết hai chân.
(Theo kinh Bách Du và Truyện cổ Phật giáo)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Hẳn ai cũng biết rằng những tình tiết trong câu chuyện trên chỉ là ẩn dụ. Kinh Bách Dụ giải thích nhân vật cụ đồ dụ cho Đức Phật, đạo Phật. Hai môn đồ Tý và Tèo là các đệ tử của Phật. Mỗi đứa săn sóc một chân là mỗi tông phái, hệ phái tu hành theo một pháp môn. Đứa này lấy búa đập gãy chân mà đứa kia đang săn sóc và ngược lại là sự gièm pha, chê bai và công kích lẫn nhau giữa các tông phái, hệ phái. Cụ đồ bị gãy hai chân ẩn dụ cho kết cuộc đem lại tai hại cho Đức Phật và đạo Phật.
Thì ra, chỉ vì cái tôi cá nhân mà trò làm tổn hại thầy và có thể, chính những người con Phật là tác nhân làm rối đạo Phật. Chuyện làm ta liên tưởng đến “sư tử trùng thực sư tử nhục”, chỉ có sâu trùng trong thân sư tử mới có thể quật ngã sư tử vốn tự hào là chúa tể sơn lâm. Mới hay, gió bão chỉ làm sập những ngôi nhà mà cột kèo bị mối mọt đục khoét, bên trong mòn ruỗng.
Cũng vậy, những tác nhân bên ngoài khó có thể làm cho Phật giáo suy vi nếu nội bộ biết đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong tinh thần thanh tịnh, hòa hợp.
Hơn ai hết, giới Phật giáo luôn nhận thức sâu sắc về duyên khởi tính. Không có bất cứ điều gì có thể tồn tại và phát triển độc lập mà cần phải nương tựa nhau. Phật giáo như một đại thụ, trong đó các bộ phận gốc rễ thân cành hoa lá là một tổng thể bất khả phân. Thiếu vắng hoặc què quặt bất cứ phần nào thì cây lớn kia chẳng những không thể tồn tại và phát triển mà thậm chí có thể chết đứng hoặc ngả đổ.
Lịch sử Phật giáo thế giới đã cho thấy từng có sự xung đột tư tưởng, triết lý giữa các hệ phái, tông phái. Tuy không gây Thánh chiến đẫm máu như các tôn giáo khác nhưng điều đó đã làm cho Phật giáo phân hóa mãnh liệt. Đơn cử như đã từng có những luận thuyết kiểu "Đại thừa phi Phật thuyết hay Tiểu thừa, cổ xe nhỏ ích kỷ và tiêu cực”.
Chung quy, đó là hiệu ứng "người mù sờ voi” mà Thế Tôn đã từng tiên liệu và cảnh báo từ xa xưa, khi Ngài còn tại thế. Phật giáo thế giới đương đại đang xích lại gần nhau hơn, cảm thông những dị đồng để hoàn thành sứ mạng "cứu khổ ban vui” là một tín hiệu tích cực.
Phật giáo Việt Nam (PGVN) từ khởi nguyên du nhập cho đến nay, phát triển khá êm đềm, suôn sẻ dẫu có đôi lúc thăng trầm. Dù vậy, sự xung đột tư tưởng, triết lý, đường lối tu tập giữa các tổ chức, hệ phái, tông phái Phật giáo hiện nay hoặc ít hoặc nhiều không phải là không có.
Những phân biệt Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ; Thiền tông, Tịnh độ; cho đến Tăng đoàn, Giáo hội; Phật giáo vùng miền Bắc, Trung, Nam và cả tông môn, tổ đình v.v… dẫu phảng phất nhưng có thật. Tuy âm ỉ, thầm lặng hoặc thấp thoáng trong nếp nghĩ, cách hành xử của mỗi người nhưng nó có tác dụng trở lực khá lớn cho sự phát triển toàn diện của PGVN.
Phải thừa nhận PGVN hiện nay đang phát triển nhưng nếu xem xét sự phát triển ấy trong tương quan Phật giáo khu vực và thế giới thì còn khá khiêm tốn. Chúng ta đã có những đóng góp to lớn, cụ thể, thiết thực gì cho đất nước và thế giới về các phương diện của đời sống xã hội, nhất là đạo đức và tâm linh hay chỉ loay hoay ở một vài lĩnh vực như xây dựng chùa chiền, mở trường Phật học, cứu trợ từ thiện…?
Sứ mạng của Phật giáo vốn to lớn và cao cả, chúng ta tự hào về gia sản Bi Trí Dũng của Phật giáo nhằm "cứu khổ” cho cả nhân loại, thậm chí tất cả chúng sanh và hiện chúng ta đã phát huy, sử dụng được bao nhiêu gia tài vô giá đó?
Những trở lực từ bên ngoài tác động không tốt đến Phật giáo thì ở đâu và thời nào cũng có nhưng xem ra vẫn là nguyên nhân thứ yếu. Nội lực của tự thân Phật giáo mới là tác nhân chính để đưa PGVN phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho đạo và đời.