Phiên bản PC
Vài câu hỏi Phật học
1519946646 (GMT+7)

Thật ra kết quả tu tập thiền định tùy theo sự gia công nỗ lực tu tập của mỗi vị mà đạt được kết quả khác nhau, nên khó có thể nói tu tập thiền định là đạt an lạc như thế này hay thế khác cho mọi trường hợp.

Kính thưa quý Thầy,

Con đọc Kinh Phật thấy có nhiều điều khó hiểu, nay nhân duyên con xem được trang nhà, con kính nhờ quý Thầy giải đáp thắc mắc dùm con.

1) Người tu tập thiền định có những an lạc gì?

2) Người chỉ chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà có thể có những kết quả như tu tập thiền định hay không?

3) Làm thế nào để phân biệt được người đã chứng quả vị giải thoát và người còn đang trên đường tu tập?

4) Con người nếu có thể sống được nếu như người ấy không ăn uống qúa bảy ngày?

Kính mong Ban phụ trách giúp con hiểu được. Con kính đảnh lễ quý Thầy.

Kính thư,

Phật tử Hưng Thạnh.

*******

Xin chào Phật tử Hưng Thạnh,

Quý Thầy lần lượt trình bày những nghi vấn của Phật tử trong khả năng của quý Thầy như sau:

1) Người tu tập thiền định có những an lạc gì ?

Thật ra kết quả tu tập thiền định tùy theo sự gia công nỗ lực tu tập của mỗi vị mà đạt được kết quả khác nhau, nên khó có thể nói tu tập thiền định là đạt an lạc như thế này hay thế khác cho mọi trường hợp. Người tu tập thiền định hay tu tập các pháp môn khác cũng giống như người uống nước nóng lạnh tự biết (như nhơn ẩm thuỷ, noãn lãnh tự tri) vậy.

Như hiện nay, tại các trung tâm tu thiền ở Ấn Độ, mỗi khóa tu có cả vài trăm người theo tu, có nơi lên đến cả ngàn hoặc hơn nữa, nhưng kết quả đều khác biệt. Có những vị chịu đựng không nổi cách hành trì tu tập thiền định nên đã bỏ ngang nửa chừng. Có những vị cố gắng khắc phục, kiềm chế bản thân nên cũng theo hết khóa 10 ngày hoặc lâu hơn nữa, nhưng kết quả không mấy khả quan, vì tay, chân hoặc lưng của họ bị đau nhức, nên khi mời họ tu khóa nữa, họ liền từ chối. Tuy nhiên, cũng có nhiều vị nhờ tu tập thiền định mà được nhiều an lạc, thể hiện qua khuôn mặt rạng rỡ, tươi tắn sau các khóa tu. Họ rất vui khi dự được các khóa tu tiếp theo. Do đó, chúng ta khó có thể nói tu tập thiền định là có an lạc liền. Dĩ nhiên, chúng ta tinh cần tu tập đúng phương pháp thì kết quả tốt đẹp sẽ đến tức khắc.

Bốn trạng thái thiền định như trong Kinh mô tả đều có yếu tố hỷ, lạc. Nghĩa là chắc chắn sẽ có an lạc nếu chúng ta tu tập thiền định đúng mức. Điều quan trọng là chúng ta có chịu khó tu tập thiền định đúng mức hay không, vì chúng ta có thể biết lý thuyết một cách thông suốt, nhưng không bao giờ bắt chân ngồi lại và tu tập thì kết quả vĩnh viễn sẽ không bao giờ đến. Phần Thiền Định của trang nhà là phần có số lượng bài khá lớn. Rất nhiều bài nghiên cứu về kinh nghiệm tu thiền rất có giá trị của chư tôn đức Tăng Ni và giới Phật tử. Phật tử có thể vào các bài trong phần đó để tham khảo thêm. Đặc biệt phần Tại sao phải hành thiền vàỨng dụng thiền có thể đáp ứng được cho câu hỏi của Phật tử.

2)   Người chỉ chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà có thể có những kết quả như tu tập thiền định hay không ?

Kết quả tu tập thiền định cũng như các pháp môn khác nhau tùy theo sự nỗ lực của mỗi hành giả, do đó chúng ta khó có thể nói là giống nhau. Nhưng nếu tu tập theo pháp môn niệm Phật đúng pháp thì kết quả cũng không thể nghĩ bàn. Điều này có thể chứng minh qua lịch sử các vị Tổ Sư tông Tịnh Độ. Quý Phật tử có thể bấm vào mục Niệm Phậttìm đọc các tác phẩm của chư Hòa thượng hoặc các dịch phẩm của chư Tăng Ni hoặc cư sĩ về tông Tịnh Độ hoặc tham khảo thêm các tác phẩm:Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật do Hòa thượng Thích Thiện Tâm dịch, Hương Thơm Niệm Phật của Đại Đức Thích Phổ Huân viết được đăng trong trang nhà Quảng Đức.

3) Làm thế nào để phân biệt được người đã chứng quả vị giải thoát và người còn đang trên đường tu tập ?

Chúng ta có thể phân biệt được nhờ cách ứng xử, ngôn hạnh và công phu tu tập của chư vị ấy. Nhưng có một số trường hợp thật khó nhận ra được. Đọc Thoát Vòng Tục Luỵ qua bản dịch của HT. Quảng Độ, hình ảnh Đại Sư Ngọc Lam như thế, mấy ai mà biết được Ngài đã tự tại vào ra ba cõi. Câu chuyện đó không biết là sự thật mấy mươi phần trăm, nhưng thực tế cũng vô số trường hợp tương tự như vậy. Mấy ai có được thiên nhãn như Ngài Phong Can để nhận ra Hàn Sơn, Thập Đắc là những Đại Sĩ Bồ-tát hóa thân? Làm sao mà biết được Văn Cát, một kẻ ăn xin giúp cho HT. Tinh Vân lại chính là hóa thân của Bồ-tát Văn-thù? Như chúng ta thấy, công phu tu tập của HT. Hư Vân trước khi xuống núi đâu phải là tầm thường mà còn không nhận ra đó là Bồ-tát hóa thân, huống nữa là chúng ta! Ngài Ngộ Đạt trong mười kiếp tu hành nghiêm mật, giới đức thế kia mà không còn nhận ra Ngài Ca-nặc-ca tôn giả là đại Bồ-tát hóa thân, huống chi là mình ngày nay giới đức chưa nghiêm, công phu chưa vững! Người xưa nói, trong đám mắt cá có lẫn lộn một viên ma ni, trong đám gà có lẫn một con phượng, ai mà biết được? Trường hợp này chỉ có các bậc Bồ-tát hoặc các vị tu tập công phu sâu dày mới có thể nhận ra mà thôi.

Có một số trường hợp tuy chúng ta không biết được quả vị của vị khác tới đâu, nhưng chúng ta có thể biết được vị ấy đạt được một phần giải thoát hoặc các quả vị thiền chứng nào đó nhờ chịu khó quán sát. Hàng phàm phu chúng ta khó xác định được quả vị của ai. Đối với các vị đã chứng được quả vị Thánh cao có thể biết được những vị chứng quả vị thấp hơn.

Đọc tiểu sử Ngài Cầu-na-bạt-đà-la, chúng ta thấy Ngài có thần thông giáo hóa dân chúng rất nhiều, nhưng truớc khi thị tịch, Ngài mới tiết lộ Ngài đã chứng tam quả A-na-hàm thôi, chưa chứng được quả vị giác ngộ giải thoát hoàn toàn A-la-hán. Còn đối với các vị đang tu tập, trừ các trường hợp ngoại lệ như trên thì chúng ta có thể xác định được khi thấy các vị đó còn các tâm niệm tham, sân, si thô hoặc vi tế qua cách thể hiện lời nói, ứng xử, viết lách, v.v..

4) Con người có thể sống được nếu như người ấy không ăn uống quá bảy ngày?

Theo cuốn Những Kỷ Lục Thế Giới (Guinness des Records) do Nguyễn Văn Năm và Tôn nữ Quỳnh Trân dịch, Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản năm 1991, trang 27 ghi: (Thầy ghi nguyên văn lại).

Các bác sĩ cho rằng một người mạnh khoẻ có thể nhịn ăn trong 30 ngày, chỉ uống nước đường mà sức khoẻ không bị hao tổn. Angus Barbieri (sinh năm 1940) tại Tayport Anh, nặng 214 kg, vào năm 1965 tại bệnh viện Maryfield Scotland đã nhịn ăn trong 382 ngày, chỉ uống trà, cafe, soda, nước và vitamine. Ra bệnh viện, A. Barbieri cân nặng 80 kg (không tính những trường hợp nhịn ăn mà không có giám định y khoa)

Cuộc tuyệt thực lâu nhất là của Denis Galer Goodwin để phản đối việc bị kết án oan vì tội cưỡng dâm. D. Goedwin từ chối ăn từ ngày 28 - 06 -1972 đến 18 - 07 - 1973, các bác sĩ đã phải chuyền chất dinh dưỡng qua đường mũi vào thẳng dạ dày.

Thời gian không ăn uống lâu nhất mà con người chịu được là 18 ngày. Đó là trường hợp Andreas Mihiavez, 18 tuổi bị bỏ quên vào ngày 1-4 -1979 trong khám sau khi bị giam vì đã gây ra một tai nạn giao thông. Đến ngày 18 - 4 mới nhớ đến thì cậu thanh niên đã gần chết.

Đây là trường hợp các người thế gian bình thường, còn trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo có vô số điều dị thường hơn nữa. Thầy xin trình bày vài sự kiện.

Ở Việt Nam ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) mấy chục năm liền toàn uống nước dừa, nhưng sức khoẻ vẫn bình thường.

Thầy rất tin vào trạng thái thiền định có khả năng làm cho con người tiêu hao năng lượng thật ít, và có khả năng tự hấp thu năng lượng khác. Trường hợp của đức Phật như trong Kinh mô tả, Ngài đã ngồi bất động trong thiền định suốt 49 ngày liền cho đến khi thành chánh giác.

Ngài Milarepa, vị đại hành giả Du-già của Mật tông Tây Tạng, chín năm liền ăn một loại rau (mọc rất nhiều vùng Dharamsala) để thiền định trong hoang liêu cô tịch trên dãy Hy-mã-lạp sơn, thế mà sức khoẻ vẫn bình thường.

Ngài Hư Vân (1840 1959) bên Trung Hoa trong tác phẩm Đường Mây Trên Đất Hoa, trong phần tự thuật của Ngài, Ngài kể hơn 3 năm sống trong rừng “đói ăn đọt tùng lá dại, khát uống nước suối nước sương... đôi mắt sáng rực, người ở xa nhìn thấy tưởng yêu quái, đều bỏ chạy... Ta không nhận sự thương hại hay ăn thức ăn nấu chín của người thế gian, chỉ ăn lá cây dại...”.

Còn nói về không ăn không uống, nhờ công phu tu tập thiền định mà sức khoẻ không suy giảm thì rất nhiều trường hợp, cụ thể như Ngài Hư Vân, trong một cơn thiền định, theo Ngài thì không biết nồi khoai đã chín chưa, nhưng kỳ thực đã hơn nửa tháng rồi, nếu không có thầy Phục Thành đến thăm và đánh khánh xả định thì có thể trạng thái nhập định đó còn kéo dài lâu hơn nữa !

Do đó, năng lực thiền định không thể nghĩ bàn. Người Phật tử quyết tâm cầu đạo quả giác ngộ giải thoát cần luôn tinh tấn để đạt được sở nguyện của mình !

Thầy xin thay mặt quý Thầy Cô, cầu chúc Phật tử tinh tấn làm nhiều thiện sự để mình và người đạt được nhiều an lạc trong mùa Phật Đản này.

Các tin đã đăng: