Phiên bản PC
Tìm thầy trong khung
1540045390 (GMT+7)

Ði tìm Ðạo tức là đi tìm Thầy. Do đó có câu: "Tầm Sư học Ðạo". Vì thế chữ Ðạo không thể rời chữ Sư. Ðức Phật là một Ðạo Sư, người chỉ đường đến Niết Bàn và con đường này được gọi là Ðạo Phật. Chúa Giê-Su cũng là một Ðạo Sư, người chỉ đường về nước trời (Thiên Ðàng) và con đường này được gọi là Ðạo Chúa. Ngày nay hai vị Ðạo Sư này không còn nhưng có các đệ tử đại diện cho hai ngài, đó là quý Thầy Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, hoặc các cha Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y, v.v...
* Tìm Thầy hay tìm một người mẫu lý tưởng?
Trong quyển Vô Ngã, viết năm 1990, chương "Liên hệ Thầy trò", tôi có nói là người tu hành ban đầu rất cần sự hướng dẫn của một vị Thầy. Nếu theo một Thầy lành, ta sẽ trở nên lành; nếu theo một Thầy ác, ta sẽ trở nên ác. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét luôn tất cả Thầy khác.
Ở đây tôi sẽ không giới thiệu bạn một Thầy mẫu lý tưởng mà chỉ nói lên sự nhận xét của tôi về chuyện tìm Thầy.
Tìm Thầy cũng giống như tìm bác sĩ vậy. Khi bị bệnh muốn khỏi thì phải đi tìm bác sĩ. Thí dụ trong tỉnh bạn ở có 10 ông bác sĩ. Sự đi tìm bác sĩ có thể được chia ra làm ba giai đoạn:
1. Tìm bác sĩ gần nhà nhất.
2. Tìm bác sĩ nổi tiếng hoặc do người quen giới thiệu.
3. Chính mình đi hết 10 ông bác sĩ.
Khi mới bị bệnh, bạn sẽ tìm đến một ông bác sĩ gần nhà nhất. Nếu bệnh của bạn không nặng lắm và ông ta cho thuốc chữa khỏi thì bạn không cần tìm một ông bác sĩ khác nữa.
Nhưng nếu bệnh của bạn thuộc loại nan y và ông ta không chữa khỏi, hoặc bạn đi chữa nhiều lần mà không thấy khá thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy cần phải tìm một ông bác sĩ khác khá hơn. Bạn có thể tìm đến một ông bác sĩ nổi tiếng trong vùng hoặc nhờ người quen giới thiệu. Nếu ông bác sĩ này chữa bạn hết bệnh hoặc bạn cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì bạn sẽ tiếp tục đến với ông ta và không cần đi tìm một bác sĩ khác nữa. Nhưng nếu ngay cả ông bác sĩ nổi tiếng này cũng không chữa bạn hết bệnh được thì giải pháp thứ ba là bạn phải tự mình chịu khó đi khám hết 10 ông bác sĩ trong vùng, may ra sẽ tìm được một ông chữa cho bạn khỏi bệnh.
Trong trường hợp cả 10 ông bác sĩ trong tỉnh cũng không chữa hết bệnh thì có lẽ bạn phải chịu khó lặn lội sang tỉnh lân cận để tìm bác sĩ khác. Và đây là một giải pháp thứ tư. Ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết và sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng tôi tạm ngưng ở ba giai đoạn đầu.
Ði tìm Thầy học Ðạo cũng tương tự như vậy. Bình thường chúng ta không bao giờ nghĩ chuyện tới chùa. Ðến khi trong nhà có ai bệnh, ai chết cần phải cầu an, cầu siêu thì lúc đó ta đến đại một chùa nào gần nhà có Thầy cầu an, cầu siêu. Nếu bệnh của ta chỉ là bệnh cần tín ngưỡng, cần cầu xin ơn trên gia hộ thì tất cả chùa nào có đầy đủ tượng Phật trang nghiêm, có quý Thầy tụng niệm nhịp nhàng hợp nhĩ là có thể cứu khổ cho ta được rồi.
Nhưng có những người sau thời gian cầu an, cầu siêu bỗng nhiên nghe lòng chán ngán cuộc đời vô thường, muốn tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu thỉnh kinh sách về đọc. Càng đọc càng thấm thía, muốn tìm hiểu hơn, muốn đi nghe thuyết pháp, muốn tu thiệt, muốn ngồi thiền, trì chú, v.v... Nếu vị Thầy trụ trì ở đó ngoài việc ứng phú, tụng kinh làm đám, còn biết giảng Ðạo thuyết pháp thì quá tốt, ta sẽ không cần phải đi tìm Thầy khác học Ðạo. Nhưng nếu sau một thời gian học Ðạo với Thầy, ta cảm thấy mình thông minh quá, học đâu hiểu đó và hình như Thầy cứ giảng đi giảng lại hoài những đề tài cũ rích. Ðến đây ta sẽ nảy lên ý niệm muốn đi tìm Thầy khác giỏi hơn. Ðây chính là giai đoạn hai: đi tìm Thầy nổi tiếng hoặc nghe đồn về Thầy nào giỏi. Nhiều người ở Pháp, Mỹ mua vé về Việt Nam xin làm đệ tử Thầy Thanh Từ, hoặc ở Việt Nam thì muốn sang Pháp tu học với Thầy Nhất Hạnh, hoặc gần đây có một số người muốn sang Ấn Ðộ, Dharamsala, làm đệ tử của đức Dalai Lama, hoặc các Lạt Ma Tây Tạng vì cho rằng các Lạt Ma tu cao hơn, nhiều thần thông. Họ đâu biết rằng Phật Giáo Tây Tạng cũng có những lủng củng nội bộ, chia rẽ tông phái, thù hiềm lẫn nhau.
Anh A thích tu theo Thầy Thanh Từ thì cứ để anh theo. Cô B thích theo Thầy Nhất Hạnh thì cứ để cô theo. Chị C thích theo Thầy Tây Tạng thì cứ để chị theo. Chúng ta là những người đang đi trong sa mạc nắng chói, cần tìm bóng mát. Các vị Thầy là những bóng cây che mát. Sao ta lại dại dột chia rẽ, níu kéo nhau, muốn mọi người phải theo về ông Thầy của mình, Thầy mình là giỏi nhất, là bậc chân tu đắc đạo.
Song le, có những người theo học với Thầy nổi tiếng trong một thời gian mà vẫn không thỏa mãn, còn nhiều nội kết đau khổ trong lòng chưa giải tỏa được. Ðến đây ta bước sang giai đoạn ba là lên đường tham vấn tất cả Thầy khác. Ðiều này xưa kia các thiền sư Trung Hoa đã có làm, gọi là hành cước.
Thông thường giai đoạn ba ít có người đến vì đa số dừng lại ở giai đoạn hai. Khi được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, có ai dại gì mà lại bỏ đi. Nếu có bỏ đi thì chắc phải tìm Thầy nổi tiếng hơn nữa, hơi đâu mà đi tìm một Thầy vô danh tiểu tốt. Ðược làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, dù không đắc đạo đi nữa, cái Ta (ngã) của mình không nhiều thì ít cũng được hưởng lây danh của Thầy.
Sau giai đoạn ba còn nhiều giai đoạn tìm Thầy nữa, nhưng theo tôi, có một giai đoạn sau cùng mà rất ít ai nghĩ tới, đó là giai đoạn mà ta không còn là đệ tử của một cá nhân ông Thầy nào nữa, mà là đệ tử của một bóng cây, một dòng sông, một đám mây, một cơn mưa, một ông già, một em bé, v.v...
Trong quyển "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Siddharta đã gặp và biết đức Phật là một Ðạo Sư đắc đạo nhưng anh ta vẫn không theo, trở về ngồi bên dòng sông, lắng nghe dòng sông. Không phải vì Phật là một Ðạo Sư nổi tiếng mà ta phải cố bám chạy theo. Không phải vì tôi là một tu sĩ Phật Giáo mà tôi phải luôn luôn ca tụng Ðạo Phật. Vì Ðạo Phật không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Các Ðạo khác cũng vậy, không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Tôi đến với Ðạo Phật vì tôi có nhân duyên và hoàn cảnh nhiều hơn đối với Ðạo khác.
Trên đây là ba giai đoạn thông thường của sự tìm Thầy. Trong mỗi giai đoạn chúng ta đều mang theo một cái khung về ông Thầy. Ðó là những khái niệm cứng ngắc sẵn có của ta về một ông Thầy lý tưởng. Thí dụ theo tôi thì một ông Thầy lý tưởng phải như sau:
- Hiền như Bụt.
- Khờ khạo không biết gì về chuyện đời.
- Sống kham khổ, ăn mặc thô sơ.
- Suốt ngày chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật.
Nếu tôi thích ứng phú thì tôi sẽ thêm vào:
- Thầy phải biết tán tụng đúng điệu miền Trung, tán rơi, tán xắp, tán trạo, v.v...
- Thầy phải biết làm sớ làm điệp ...
Hoặc nếu tôi biết đôi chút về giáo lý thì thêm:
- Thầy phải biết tất cả giáo lý căn bản.
- Thầy phải biết giảng kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, v.v...
Nếu tôi thích tu Thiền thì sẽ thêm:
- Thầy phải có định lực này nọ...
- Thầy phải ngồi thiền suốt ngày hay ít nhất là bốn tiếng một ngày...
Hoặc nếu thích Mật Tông thì:
- Thầy phải biết làm bùa vẽ chú, trừ ma yếm quỷ, v.v...
Cứ thế, cái danh sách tiêu chuẩn về Thầy lý tưởng của tôi dài hay ngắn tùy theo sự hiểu biết nhiều hay ít về Ðạo. Sau đó tôi đóng khung cái danh sách này rồi mang nó đi tìm Thầy. Nếu thấy Thầy nào hợp với những tiêu chuẩn ấn định trong khung thì tôi cho Thầy đó xứng đáng làm Thầy của tôi, là một Thầy tu chân chính.
Chúng ta thường khao khát đi tìm một Thầy chân tu đạo đức. Nhưng chân tu đạo đức của ai? Của ta hay của ông Thầy đó? Chân tu của ta có nghĩa là gì? Ðạo đức theo ta là sao? Phải chăng là những tiêu chuẩn đóng khung của ta? Ta đi tìm ông Thầy tự thân hay đi tìm ông Thầy trong khung của mình?
Thầy tôi phải như thế này, phải như thế nọ! Thầy tu không được như thế này, không được như thế kia!
Trước khi đi tu, tôi đã học đến cử nhân vật lý (licence de physique) ở Ðại Học Orsay. Khi đi tu, tôi nghĩ rằng bằng cấp thế gian không có ích lợi gì và cũng không có gì đáng để phô trương, vì Ðạo Phật há chẳng dạy buông xả hết sao! Thế nhưng sau khi vào chùa tôi thấy quý Thầy hay trưng bằng tiến sĩ (Ph.D) ra, và nhiều Thầy khuyên tôi nên trở lại Ðại Học để lấy bằng tiến sĩ, vì thời nay nếu có bằng cấp cao thì dễ làm Ðạo, nói người ta mới nghe, mới nể. Nghe nói hợp lý nên tôi cũng tính đi học lại để lấy bằng Ph.D, nhưng một hôm ngồi nói chuyện với chú Minh Lâm, chú nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Sao quý Thầy cứ tốn thì giờ theo đuổi bằng cấp ngoài đời làm chi! Xá lợi Phất, Mục kiền Liên đâu có bằng Ph.D mà vẫn đắc đạo". Cuối cùng tôi đã nghe lời chú nên tới nay tôi vẫn không có bằng Ph.D. Nói vậy bạn đừng hiểu lầm cho tôi chống báng bằng cấp. Bằng cấp chỉ là bằng cấp, tự nó vô hại, chỉ có những khái niệm về bằng cấp mới là nguy hiểm mà thôi. Bằng cấp dùng để chứng minh trình độ kiến thức. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể tham khảo tất cả Tam Tạng Kinh Ðiển anh ngữ trên hệ thống Internet ngay nơi phòng ngủ của mình nếu bạn có máy vi tính. Với Internet bạn có thể mở mang kiến thức của mình 24 tiếng trong ngày nếu bạn muốn mà không cần phải vào Ðại Học hay Thư Viện.
Thích Trí Siêu
 

Các tin đã đăng: