Phiên bản PC
TT. Minh Thành thăm và chia sẻ phương pháp tu tập qua kinh Gò Mối
1544885415 (GMT+7)

Ngày 7/11/Mậu Tuất (nhằm 13/12/2018), là ngày tu thứ 4 của khoá tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 27 được tổ chức tại Tổ đình Minh Đăng Quang tỉnh Vĩnh Long, TT. Minh Thành – Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái đã viếng thăm và chia sẻ bài kinh Gò Mối đến với chư hành giả.

Bài kinh Gò Mối số 23 trong Trung Bộ kinh, đức Thế Tôn dạy các vị Tỳ-kheo về những ý nghĩa: 1/ Gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành; 2/ Cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói; 3/ Cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng; 4/ Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác; 5/ Người có trí là đồng nghĩa với Tỷ-kheo hữu học; 6/ Cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh; 7/ Đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần; 8/ Cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này; 9/ Con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận này; 10/ Con đường hai ngã là đồng nghĩa với nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc này; 11/ Đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái, đem  đồ lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái này; 12/ Con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này; 13/ Con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, lấy con dao phay lên là từ bỏ năm dục trưởng dưỡng này; 14/ Miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham, lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham này; 15/ Con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ.

Từ những ý nghĩa trong bài kinh, Thượng toạ đã triển khai, giảng giải, hướng dẫn chư hành giả nên học hỏi, lắng nghe, thọ trì và ứng dụng vào nếp sinh hoạt hàng ngày. Với trí tuệ sắc bén (thanh gươm), chư hành giả thường xuyên suy tầm (vitakka), tác ý đến thiện pháp, và tinh cần, tinh tấn đoạn trừ những ác pháp để thành tựu mục tiêu phạm hạnh của một vị Tỳ kheo.

Cuối buổi chia sẻ kinh pháp, chư hành giả rất hoan hỷ khi nắm bắt rõ ràng những phương pháp tu tập qua bài kinh Gò Mối, cũng như phần chia sẻ rất sinh động của Thượng toạ từ các mẫu truyện Thiền, bài Chơn lý và những bài kinh liên hệ.

Tuệ Mãn - http://www.daophatkhatsi.vn

Các tin đã đăng: